Chia sẻ thẳng thắn tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Nghị quyết 68: Cơ hội của các hãng bay tư nhân Việt Nam", ngày 10/7, TS. Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Bamboo Airways, cho rằng, chính sách trần giá vé máy bay nội địa là quy định “hết sức vô lý” và không còn phù hợp với bối cảnh thị trường hàng không cạnh tranh.
“Trên thế giới không có quốc gia nào vẫn quản lý giá vé máy bay bằng trần giá như Việt Nam. Phần lớn các nước đều để thị trường tự điều tiết, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm”, ông nói.
Vị CEO nhấn mạnh rằng việc áp giá trần đang tước đi cơ hội tăng doanh thu và lợi nhuận của các hãng hàng không, đặc biệt vào mùa cao điểm như Tết Nguyên đán – thời điểm chỉ đông một chiều, còn chiều ngược lại lại thưa khách. Kết quả là các hãng vẫn phải vận hành chiều rỗng nhưng không được phép bù lỗ bằng việc tăng giá chiều đông khách.
“Đây chính là nguyên nhân khiến các hãng hàng không nội địa tiếp tục đốt tiền. Nếu tiếp tục duy trì chính sách này, cuộc chơi hàng không nội địa sẽ là một cuộc chơi lỗ vốn. Không ai kiếm được lời. Càng nhiều hãng bay thì càng lỗ nặng”, ông Nam nhấn mạnh.
![]() |
TS. Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Bamboo Airways. Ảnh: Báo Thanh niên. |
Ông phân tích, giá vé máy bay hiện nay không phản ánh đúng chi phí vận hành của ngành. Giá xăng dầu – yếu tố cấu thành lớn nhất trong chi phí bay từng tăng tới 100% so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, thị trường lao động và dịch vụ thiếu hụt cũng khiến chi phí đội lên rất cao.
"Không những bị siết giá, chúng tôi còn phải gồng gánh thêm nhiều áp lực chi phí", ông nói. Mức lợi nhuận của ngành hàng không vì vậy cực kỳ thấp, chỉ khoảng 2% doanh thu, thậm chí nhiều hãng không có lợi nhuận.
Với hãng tư nhân lớn, lợi nhuận có thể lên đến 6-7% trong điều kiện tốt, nhưng vẫn thấp hơn cả lãi suất gửi ngân hàng. Chính vì vậy, ông Nam bác bỏ quan điểm cho rằng ngành hàng không đang “ăn dày” nhờ giá vé cao.
“Người ta nhìn vào giá vé và nghĩ các hãng thu lợi nhuận khủng. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Chúng tôi vẫn đang đốt tiền mỗi ngày để duy trì hoạt động”, ông cho hay.
Ông Nam chia sẻ, hiện tại Bamboo Airways cũng như nhiều hãng khác đang đối mặt với tình trạng thiếu máy bay, trong khi nhu cầu thị trường đang tăng nhanh. 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế tăng 13%, khách quốc nội tăng 7%, nhưng năng lực cung ứng của các hãng không theo kịp.
Thực tế, mùa hè năm nay, nhiều đối tác quốc tế tại châu Âu đã chủ động liên hệ với Bamboo Airways để thuê lại máy bay, với mức giá thuê hấp dẫn do nhu cầu du lịch tăng cao và thị trường khan hiếm phương tiện.
“Nếu chúng tôi đưa máy bay sang châu Âu hoạt động thì lợi nhuận chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều so với khai thác ở thị trường nội địa. Nhưng chúng tôi vẫn chọn phục vụ thị trường trong nước, vì là hãng hàng không Việt Nam. Dù biết rõ điều đó đồng nghĩa với áp lực chi phí và lợi nhuận thấp hơn nhiều”, ông nói.
Chia sẻ thêm về những khó khăn hiện tại, CEO Bamboo Airways cho biết, hãng vẫn đang nỗ lực để duy trì hoạt động ổn định trong bối cảnh chi phí vận hành ngày càng leo thang. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ kỳ vọng sẽ có những điều chỉnh chính sách kịp thời, đặc biệt là trong việc giảm bớt các loại chi phí đầu vào đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
“Ví dụ, chi phí sử dụng mặt đất tại sân bay, hay các loại thuế, phí liên quan đến nhiên liệu hàng không nếu được điều chỉnh linh hoạt hơn, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu bay tăng mạnh thời gian qua, sẽ giúp hãng tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành và giữ được môi trường khai thác ổn định”, ông Nam đề xuất.
Vị CEO cũng nhấn mạnh rằng, bản chất ngành hàng không là ngành có tính cạnh tranh rất cao. Trước đây, khi thị trường nội địa có nhiều hãng bay cùng hoạt động, cuộc đua giữa các hãng diễn ra từng ngày, từng giờ, đặc biệt là ở mặt trận giá vé. Chỉ cần một hãng tung ra mức giá thấp hơn, các hãng còn lại, kể cả hãng lớn như Vietnam Airlines, cũng buộc phải điều chỉnh theo để giữ chân hành khách.
“Chính nhờ môi trường cạnh tranh lành mạnh ấy, người tiêu dùng mới thực sự được hưởng lợi từ những mức giá hợp lý và dịch vụ ngày càng cải tiến. Đồng thời, điều này cũng buộc các hãng phải tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành, thay vì ỷ lại vào các cơ chế bảo hộ hay độc quyền”, ông phân tích.
“Ở Việt Nam, giá vé độc quyền không có, không tồn tại. Việc trần giá vé được áp đặt lại càng khiến thị trường bị bóp méo, làm méo mó động lực cạnh tranh và kìm hãm sự phát triển của toàn ngành”, ông Nam nhận định.