Tại Bắc Kinh tuần qua, Jensen Huang, nhà sáng lập kiêm CEO Nvidia một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của mình. Khi được phóng viên Trung Quốc phỏng vấn: “Nếu Jensen 22 tuổi vừa tốt nghiệp đại học hôm nay, anh sẽ chọn học gì để tối ưu cho tham vọng?”, ông không do dự: “Tôi sẽ chọn khoa học vật lý thay vì khoa học phần mềm”. Huang nhấn mạnh mình từng tốt nghiệp đại học lúc 20 tuổi và nếu có cơ hội sống lại thời sinh viên, ông sẽ hướng toàn bộ vào học ngành này.

Khoa học vật lý là lĩnh vực rộng lớn, nghiên cứu các hệ thống phi sinh học, từ vật lý, hóa học đến thiên văn học và khoa học Trái Đất. Theo Huang, thứ AI đang cần bước sang chính là khả năng hiểu sâu về định luật tự nhiên: ma sát, quán tính, nhân quả... Không chỉ giải mã hình ảnh hay ngôn ngữ, AI phải “hiểu” cách thế giới vận hành để trở thành công cụ lý luận thực sự.

CEO Nvidia thừa nhận nếu được trẻ lại sẽ theo học ngành này, thể hiện tầm nhìn chiến lược
Jensen Huang: "Tôi sẽ chọn khoa học vật lý thay vì khoa học phần mềm”. Ảnh minh họa

Ông phân tích việc ứng dụng AI qua các giai đoạn:

AI nhận thức – nhận dạng hình ảnh, như bước đột phá của AlexNet từ năm 2012.

AI tạo sinh – hiểu và tạo ra ngôn ngữ, hình ảnh, mã.

Tiếp đến là AI lý luận – giúp máy suy nghĩ, giải quyết vấn đề chưa gặp trước đây.

Và cuối cùng – AI vật lý – AI được trang bị kiến thức vật lý để tương tác một cách tinh vi với môi trường vật chất.

Huang cho rằng AI vật lý là nền tảng để tạo ra các “công nhân kỹ thuật số”, những robot thông minh có thể ra quyết định, tương tác và thích nghi với môi trường. Ông gọi đó là mô hình robot học, nơi AI có thể suy luận vật lý, nắm bắt lực cần thiết để giữ vật, cảm nhận người ẩn sau ô tô…

CEO Nvidia thừa nhận nếu được trẻ lại sẽ theo học ngành này, thể hiện tầm nhìn chiến lược
Khoa học vật lý là lĩnh vực rộng lớn. Ảnh minh họa

Tầm nhìn này của Nvidia không chỉ mang tính lý thuyết. Theo ông, trong khoảng 10 năm tới, thế giới – đặc biệt là ngành sản xuất – cần robot hóa cao độ để giải quyết khủng hoảng thiếu hụt lao động. Nvidia đang triển khai và mở rộng hệ thống nhà máy có khả năng tự động hóa quy mô lớn tại nhiều địa điểm ở Mỹ, lấy robot học và AI vật lý làm trọng tâm.

Jensen Huang cộng tác với các kỹ sư Chris Malachowsky và Curtis Priem thành lập Nvidia từ năm 1993 tại San Jose, California. Qua gần 30 năm, dưới bàn tay ông, Nvidia đã tiến từ một công ty đồ họa nhỏ thành tập đoàn chip hàng đầu thế giới, với vốn hóa thị trường vừa vượt ngưỡng 4.000 tỷ USD. Ông không chỉ dừng ở phần cứng mà còn dẫn dắt công ty hướng vào các nền tảng AI toàn diện, trong đó AI vật lý là bước đi đột phá tiếp theo.