Doanh nghiệp không có lỗi, nhưng vẫn bị phạt

Tại hội thảo “Giá đất, thuế đất… thế nào cho hợp lý?”, sáng 22/7, ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đã có những chia sẻ thẳng thắn về các bất cập trong dự thảo sửa đổi Nghị định 103 liên quan đến việc truy thu bổ sung tiền sử dụng đất đối với doanh nghiệp, dù lỗi không nằm ở họ.

Theo ông Hồng Anh, trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua, việc đồng bộ hóa hệ thống nghị định, đặc biệt là những quy định hướng dẫn về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đang được cộng đồng doanh nghiệp theo dõi sát sao. Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến chi phí đầu tư, khả năng triển khai và hiệu quả của các dự án sản xuất kinh doanh, bất động sản.

Chủ tịch Đặng Hồng Anh: Bỏ truy thu tiền sử dụng đất là cứu cánh cho hàng trăm dự án đang mắc kẹt

Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Một trong những điểm gây tranh luận là đề xuất truy thu bổ sung 5,4%/năm trên số tiền sử dụng đất chưa nộp – kể cả trong trường hợp doanh nghiệp không có lỗi. Sau khi tiếp thu phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Bộ Tài chính đã đề xuất thêm phương án giảm còn 3,6%/năm hoặc bỏ hoàn toàn quy định truy thu.

Tuy vậy, theo ông Hồng Anh, dù là 5,4% hay 3,6% thì về bản chất, khoản thu bổ sung này giống như một hình thức “phạt chậm nộp” – điều không phù hợp khi doanh nghiệp không chây ỳ, mà bị kẹt do chậm trễ từ phía cơ quan quản lý.

“Việc định giá đất và tính tiền sử dụng đất thường bị kéo dài, không phải vì doanh nghiệp thiếu sót, mà vì thủ tục hành chính chưa hoàn tất. Vậy sao lại phạt doanh nghiệp?”, ông Hồng Anh đặt vấn đề.

Gánh nặng kép và rủi ro pháp lý

Ông Hồng Anh phân tích thêm: Theo Nghị định 71, một trong những căn cứ để định giá đất cụ thể là quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch tổng mặt bằng. Trong khi đó, Nghị định 35/2023 yêu cầu tất cả các dự án, kể cả quy mô nhỏ, phải lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn. Nhưng trước đó, theo Nghị định 37/2010, các dự án dưới 2ha (chung cư) hoặc dưới 5ha (các loại hình khác) không bắt buộc phải lập quy hoạch chi tiết, mà chỉ cần phương án tổng mặt bằng phù hợp quy hoạch phân khu.

Hệ quả là nhiều dự án đang trong giai đoạn chuyển tiếp (triển khai từ 2010–2023) rơi vào khoảng trống pháp lý, dẫn đến việc chậm xác định giá đất vì thiếu cơ sở pháp lý để thẩm định.

Đáng chú ý, nếu quy định truy thu được giữ nguyên, doanh nghiệp sẽ chịu gánh nặng kép: Vừa bị truy thu bổ sung, vừa không thể hoàn tất nghĩa vụ tài chính để đủ điều kiện mở bán sản phẩm, huy động vốn, hoặc tiếp tục triển khai dự án.

“Chi phí cơ hội bị mất, chi phí tài chính tăng cao, dòng tiền tắc nghẽn. Đây không còn là vấn đề tiền bạc, mà là bài toán sống còn của nhiều doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Không chỉ thiệt hại riêng lẻ, quy định này nếu thông qua còn có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư quốc gia, tạo ra tâm lý lo ngại trong giới đầu tư, nhất là với các dự án cần diện tích đất lớn, thời gian định giá kéo dài.

Chủ tịch Đặng Hồng Anh: Bỏ truy thu tiền sử dụng đất là cứu cánh cho hàng trăm dự án đang mắc kẹt

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ quyết định theo hướng bỏ hẳn quy định truy thu bổ sung trong bản sửa đổi Nghị định 103 sắp tới.

Kiến nghị xóa bỏ hoàn toàn truy thu trong trường hợp không có lỗi

Từ những phân tích thực tiễn, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị rõ ràng: Thứ nhất, bỏ hoàn toàn quy định truy thu bổ sung tiền sử dụng đất trong trường hợp doanh nghiệp không có lỗi, mà nguyên nhân chậm trễ đến từ phía cơ quan quản lý.

Thứ hai, cần quy định thời hạn tối đa cho việc xác định giá đất, đảm bảo tiến độ cho các nhà đầu tư; Thứ ba, phải quy trách nhiệm rõ ràng cho cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ nhằm tạo công bằng cho doanh nghiệp và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý nhà nước.

Hội Doanh nhân trẻ cũng gửi lời cảm ơn Bộ Tài chính vì đã lắng nghe và đề xuất thêm phương án bỏ quy định truy thu, thể hiện tinh thần cầu thị. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ quyết định theo hướng bỏ hẳn quy định truy thu bổ sung trong bản sửa đổi Nghị định 103 sắp tới.

“Một chính sách đúng, nhưng nếu không xét đến hoàn cảnh cụ thể và không phân định rõ trách nhiệm thì sẽ trở thành rào cản thay vì động lực. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần một chính sách đất đai công bằng, minh bạch và dễ dự báo. Gỡ bỏ quy định truy thu này không chỉ là động lực, mà là cứu cánh cho hàng trăm dự án đang bị mắc kẹt. Đây sẽ là hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Hồng Anh khẳng định.