Ba động lực chiến lược để Việt Nam bứt tốc
Tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 diễn ra sáng 9/7, ông Jens Lottner – Tổng giám đốc Techcombank, đưa ra nhận định đáng chú ý: Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10%, nếu tận dụng chính xác những yếu tố vĩ mô đang thuận lợi.
Cụ thể, CEO Techcombank nhấn mạnh, Việt Nam cần triển khai đồng bộ ba động lực chiến lược để vượt ngưỡng tăng trưởng hiện tại.
Tận dụng dân số trẻ và nền tảng số: Việt Nam đang nằm trong giai đoạn dân số vàng với lực lượng lao động dồi dào. Nếu gắn lực lượng này với các mô hình đào tạo mới, kỹ năng số, và đẩy mạnh các ngành công nghệ, sẽ hình thành một thế hệ lao động có giá trị gia tăng cao.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao: Việt Nam cần tập trung phát triển các ngành như trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử và sản xuất linh kiện công nghệ cao. Đây là các lĩnh vực không chỉ giúp nâng cao năng suất, mà còn góp phần định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Từ lâu, Việt Nam đã dựa vào bất động sản, hạ tầng và xuất khẩu nguyên liệu thô làm trụ cột. Tuy nhiên, ông Lottner cảnh báo, mô hình này đang dần lạc hậu trước tốc độ thay đổi của thế giới.
“Công nghệ, dữ liệu và đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực chính để tăng trưởng,” ông nói.
![]() |
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: TCB. |
Chính sách hỗ trợ: 'Điều kiện đủ' để bứt phá
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay theo ông Jens Lottner là năng suất lao động. Dù có nhiều cải thiện, nhưng so với Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, Việt Nam vẫn còn khoảng cách đáng kể.
“Tăng trưởng chỉ bền vững nếu đi kèm với nâng cao hiệu quả sử dụng lao động. Việt Nam phải đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, tự động hóa và đào tạo lại kỹ năng, để có thể vươn tới nhóm nước dẫn đầu khu vực,” ông Lottner khuyến nghị.
Ông Jens Lottner cũng chỉ ra một dấu hiệu đáng lưu ý: Chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam hiện đang có xu hướng đi ngang. Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển vẫn tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng nội địa như động cơ tăng trưởng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Việt Nam cần chuyển trọng tâm sang xuất khẩu có giá trị cao và phát triển mô hình sản xuất dựa trên công nghệ.
"Việt Nam có thể học hỏi mô hình thành công của các cường quốc xuất khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản – những nước từng chuyển dịch mạnh từ công nghiệp nhẹ sang các ngành sản xuất công nghệ cao, nhờ vào chiến lược quốc gia nhất quán và đầu tư có chiều sâu vào R&D, logistics, và hạ tầng số", ông cho hay.
Đặc biệt, một yếu tố không thể thiếu để giúp Việt Nam bứt phá là môi trường chính sách. CEO Techcombank đánh giá cao hàng loạt nghị quyết quan trọng mà Bộ Chính trị đã ban hành trong thời gian gần đây như Nghị quyết 57 (về hạ tầng tài chính), Nghị quyết 59 (về phát triển vùng), Nghị quyết 66 (về đổi mới công nghệ), và đặc biệt là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân và cải cách thể chế.
“Nếu các chính sách này được thực thi hiệu quả, tạo hành lang pháp lý rõ ràng và thúc đẩy hợp tác công – tư, thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nền kinh tế số dẫn đầu khu vực,” ông Lottner khẳng định.