Dẫn nguồn Người lao động, độc giả Phạm Mai Ngọc (huyện Hóc Môn, TP. HCM) hỏi: "Tôi nay 60 tuổi, tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội là 16 năm 4 tháng. Tôi nghe nói từ năm 2023 chỉ đóng BHXH 15 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu. Thông tin này có đúng không?"

Giải đáp thắc mắc, ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn lao độc TP. HCM cho biết: "Điều kiện hưởng lương hưu của người lao động hiện nay vẫn đang thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Theo đó, ngoài đáp ứng điều kiện về độ tuổi, khi nghỉ việc người lao động phải có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Do vậy, thông tin từ năm 2023, người lao động chỉ đóng BHXH 15 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu là không chính xác.

Tại điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Do vậy, để được hưởng lương hưu, bà Ngọc có thể tham gia tiếp BHXH tự nguyện cho thời gian còn thiếu theo các phương thức đóng hằng tháng, 3 tháng một lần,... hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ 20 năm tham gia BHXH.

Tuy nhiên, liên quan đến thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc để được hưởng lương hưu, nhiều ý kiến trái chiều hiện đang băn khoản về việc "đóng bảo hiểm đủ thời gian 20 năm song chưa đến tuổi nghỉ hưu hoặc mất trước tuổi nghỉ hưu thì giải quyết ra sao?".

Điều kiện và tỷ lệ hưởng lương hưu

Căn cứ Điều 56 và Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu năm 2021 và năm 2022 có sự thay đổi đối với lao động nam như sau:

- Năm 2021, chỉ cần đóng 19 năm BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm tính thêm 2%, mức hưởng tối đa là 75%.

- Năm 2022, phải đóng đủ 20 năm BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu mới là 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm tính thêm 2%, mức hưởng tối đa là 75%.

Như vậy từ năm 2022 trở đi, người lao động phải đóng BHXH đủ 20 năm mới đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí theo quy định.

Xác định tuổi nghỉ hưu

Khoản 2 Điều 169 quy định, kể từ năm 2021, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động từ năm 2021 sẽ được tăng theo lộ trình. Theo đó, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Bên cạnh đó, Điều này cũng quy định một số trường hợp đặc biệt được nghỉ hưu trước không quá 5 năm so với độ tuổi nói trên.

Khoản 3 Điều 169 quy định, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Khoản 4 Điều 169 quy định Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đóng bảo hiểm xã hội đủ thời gian nhưng chưa đến tuổi hưởng lương hưu nên làm thế nào?

Nếu người lao động đã đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội nói trên mà chưa đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì có thể lựa chọn một trong 2 phương án: Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hộinghỉ hưu trước tuổi trong trường hợp đủ điều kiện. Người lao động sẽ không bị buộc phải về hưu sớm.

- Bảo lưu thời gian đóng BHXH: Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có 2 trường hợp được bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Điều 61 và Điều 78 lần lượt quy định người lao động khi nghỉ việc hoặc dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Việc bảo lưu thời gian tham gia BHXH không ảnh hưởng đến việc hưởng lương hưu cũng như không làm giảm tỷ lệ % lương hưu của người lao động.

- Nghỉ hưu trước tuổi trong trường hợp đủ điều kiện: Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ hưu trước tuổi từ năm 2021 nếu thuộc một trong các trường hợp sau Không suy giảm khả năng lao động hoặc suy giảm khả năng lao động được quy định cụ thể trong Luật.

Chết trước và khi đang hưởng lương hưu có được gì không?

Căn cứ vào Điều 66 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, đối người đang hưởng lương hưu thì qua đời thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người đó chết.

Tại Điều 67 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về các trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

“Điều 67. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

1. Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

b) Đang hưởng lương hưu;

c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

2. Thân nhân của những người quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bao gồm:

a) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

b) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

d) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

3. Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại Luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

4. Thời hạn đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:

a) Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày người tham gia bảo hiểm xã hội chết thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị;

b) Trong thời hạn 04 tháng trước hoặc sau thời điểm thân nhân quy định tại điểm a khoản 2 Điều này hết thời hạn hưởng trợ cấp theo quy định thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị”.

Tại Điều 69 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các trường hợp được hưởng trợ cấp tuất một lần như sau:

“Điều 69. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần

Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần:

1. Người lao động chết không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật này;

2. Người lao động chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này;

3. Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

4. Trường hợp người lao động chết mà không có thân nhân quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật này thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế”.

Tại khoản 6 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có như sau: “Thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.