![]() |
Trong bối cảnh Hoa Kỳ ban hành các mức thuế quan mới với nhiều nền kinh tế châu Á, ngày 9/4/2025, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2025, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6,6% năm 2025 và 6,5% năm 2026, tiếp nối đà phục hồi mạnh mẽ sau mức 7,1% năm 2024 – một trong những mức tăng trưởng cao nhất khu vực. Báo cáo khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thu hút FDI, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức gia tăng từ thương mại phân mảnh, căng thẳng địa chính trị và biến động dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Để phân tích sâu hơn các cơ hội chiến lược và yêu cầu củng cố nội lực trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi giá trị toàn cầu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, với nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn chính sách vĩ mô và phát triển khu vực tư nhân tại Việt Nam và các nước ASEAN.
PV: Căng thẳng thương mại đã trở nên quen thuộc với các nền kinh tế châu Á, nhưng Trade War 2.0 có vẻ phức tạp hơn, kéo dài hơn và khó dự đoán hơn khi gắn với cạnh tranh công nghệ, thuế đối ứng và các biện pháp phi thuế quan. Với vai trò Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, ông đánh giá đây chỉ là một cú sốc ngắn hạn hay là sự chuyển dịch cấu trúc dài hạn của thương mại toàn cầu?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận rằng căng thẳng thương mại, bao gồm các biện pháp gia tăng hàng rào thuế quan trong thương mại hiện nay, đặc biệt giữa các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã không còn dừng lại ở góc độ bảo hộ thương mại thông thường. Các biện pháp này dường như có mục tiêu rộng lớn hơn nhiều, bao gồm cạnh tranh công nghệ, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, kiểm soát đầu tư, đặc biệt khi xem xét các rào cản phi thuế quan như cấm vận chip, siết chặt quyền sở hữu trí tuệ hay kiểm duyệt dữ liệu. Như vậy, có thể thấy rằng các biện pháp này không chỉ đáp ứng các mục tiêu thương mại mà còn là công cụ cạnh tranh về kinh tế, công nghệ và ảnh hưởng toàn cầu.
Ban đầu, đã có những nhận định cho rằng đây chỉ là một cú sốc mang tính chu kỳ, có thể dịu đi khi chính sách hoặc nhân sự thay đổi. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng, nhiều dấu hiệu cho thấy các chính sách thương mại hiện nay phản ánh một cách tiếp cận khác đối với toàn cầu hóa, có tác động tái cấu trúc hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu. Những thay đổi này gắn liền với ba xu hướng nổi bật: Thứ nhất, chiến lược “giảm phụ thuộc” vào một số nền kinh tế lớn, đặc biệt là Trung Quốc; thứ hai, chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các quốc gia “an toàn hơn” hoặc thân thiện hơn về mặt chính trị; và cuối cùng, sự nổi lên của các chính sách công nghiệp chủ động, như Đạo luật CHIPS năm 2022 và Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act - IRA) của Hoa Kỳ, đang tạo ra làn sóng hỗ trợ nội địa hóa sản xuất.
Từ góc nhìn của ADB, những động thái này đang thúc đẩy quá trình "tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu" (Global Value Chain restructuring - GVC restructuring), trong đó các nền kinh tế Đông Nam Á – bao gồm Việt Nam – đang nổi lên như những điểm đến thay thế hấp dẫn trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và công nghệ thông tin. Việt Nam đã và đang hưởng lợi từ xu hướng này; tuy nhiên, cũng cần lưu ý hai vấn đề then chốt. Trước mắt, lợi ích ngắn hạn – ví dụ như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng và xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng – có thể đi kèm với những rủi ro dài hạn liên quan đến sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, cũng như gia tăng mức độ rủi ro trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, khả năng thích ứng về công nghệ, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định việc Việt Nam có thể tận dụng thành công cơ hội từ quá trình tái cấu trúc này hay không.
Như vậy, các chính sách thương mại mới không chỉ đơn thuần là một cú sốc ngắn hạn, mà thực chất là biểu hiện của một sự chuyển dịch cấu trúc lâu dài trong trật tự kinh tế toàn cầu. Với cách tiếp cận đúng đắn, các nền kinh tế như Việt Nam không những có thể trụ vững, mà còn có cơ hội vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
![]() |
PV: Việt Nam từng được coi là “bên hưởng lợi gián tiếp” trong Trade War 1.0 (2018–2020) nhờ hiệu ứng chuyển hướng thương mại và dòng vốn FDI. Tuy nhiên, trong chu kỳ áp thuế đối ứng hiện nay, ADB đánh giá Việt Nam có thể chịu tác động trực tiếp. Theo ông, đâu là những yếu tố phản ánh rõ năng lực chống chịu cũng như mức độ dễ tổn thương của nền kinh tế trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu gia tăng?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Trong bối cảnh địa chính trị và thương mại toàn cầu xuất hiện những thách thức mới, Việt Nam đã chuyển từ vị trí tương đối thuận lợi sang đối mặt trực diện với nhiều khó khăn hơn so với trước đây.
Trong giai đoạn căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (2018–2020), Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để xuất khẩu thuận lợi hơn sang Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay – khi các biện pháp thương mại của Hoa Kỳ trở nên bất định hơn và mở rộng sang các lĩnh vực phi thuế quan, công nghệ cao, đồng thời tái định vị chuỗi cung ứng dựa trên các yếu tố địa chính trị – Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác thương mại chịu tác động trực tiếp.
Trong bối cảnh mới này, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam được thể hiện rõ qua một số khía cạnh. Trước hết, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, bất chấp các cú sốc như đại dịch COVID-19 và lạm phát toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 5% trong giai đoạn 2020–2024. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu quản lý kinh tế vĩ mô như lạm phát, nợ công và tỷ giá được đánh giá ổn định tương đối so với nhiều quốc gia đang phát triển.
Tiếp theo, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết hơn 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) lớn, tiêu biểu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA). Các FTA này giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các thị trường lớn như Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và nền công nghiệp. Các khoản đầu tư lớn vào khu công nghiệp, logistics, hạ tầng số và năng lượng sạch đang tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục duy trì lợi thế về nguồn lao động trẻ, dồi dào, với tiềm năng lớn trong việc đào tạo lại theo định hướng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và công nghệ xanh. Vị thế địa chính trị “cân bằng – linh hoạt” của Việt Nam cùng với chính sách đối ngoại độc lập, đa phương và nguyên tắc “cây tre” cũng góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro địa chính trị, giúp Việt Nam không bị lôi kéo vào các liên minh đối kháng trong bối cảnh cạnh tranh thương mại và công nghệ ngày càng gay gắt.
![]() |
Tuy nhiên, mức độ dễ tổn thương của nền kinh tế Việt Nam cũng bộc lộ rõ qua một số điểm yếu then chốt. Trước hết, Việt Nam có độ mở kinh tế rất cao, với kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 100% GDP, trong đó khu vực FDI chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương nếu dòng thương mại bị gián đoạn hoặc nếu các công ty FDI điều chỉnh chiến lược toàn cầu, thu hẹp hoặc dịch chuyển hoạt động sản xuất.
Thứ hai, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị từ Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành dệt may, điện tử, hóa chất và phân bón. Dù đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, Trung Quốc vẫn là đối tác nhập khẩu chủ yếu, tạo ra những rủi ro đáng kể cho chuỗi cung ứng nội địa.
Thứ ba, Việt Nam còn thiếu hụt các chuỗi giá trị nội địa chuyên sâu. Công nghiệp hỗ trợ yếu và tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến Việt Nam chủ yếu tham gia vào những khâu gia công có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thứ tư, nền kinh tế Việt Nam mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn toàn cầu về phát triển xanh và số hóa. Các yêu cầu mới như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, yêu cầu bảo vệ dữ liệu của Mỹ và EU, quy chuẩn AI, ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và tiêu chuẩn lao động quốc tế sẽ là thách thức lớn nếu Việt Nam không kịp thời thích ứng.
Cuối cùng, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Các ngành công nghiệp trọng điểm trong tương lai như chip bán dẫn, AI và năng lượng tái tạo đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật viên và chuyên gia trình độ cao, trong khi Việt Nam hiện đang thiếu nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng nhân lực.
Tóm lại, Việt Nam có nền tảng chống chịu tốt ở tầng vĩ mô, chính sách đối ngoại và hạ tầng mềm, nhưng lại dễ tổn thương ở tầng công nghệ, chuỗi giá trị nội địa và chất lượng nguồn nhân lực. Trade War 2.0 sẽ là phép thử lớn đối với Việt Nam. Nếu vượt qua, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vượt qua "vũ môn" để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển dài hạn như tăng tốc công nghiệp hóa, thoát khỏi "bẫy gia công" và vươn lên nhóm các quốc gia công nghiệp mới.
![]() |
PV: Xuất khẩu tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, với tổng kim ngạch năm 2024 tương đương khoảng 90% GDP. Trong bối cảnh nhiều quốc gia gia tăng rào cản kỹ thuật và áp dụng phòng vệ thương mại, theo đánh giá của ADB, đâu là những nhóm ngành có giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ nội địa hóa thấp và dễ chịu tác động bất lợi nhất?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Có thể phác họa bức tranh xuất khẩu hiện tại của Việt Nam là tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao, nhưng giá trị gia tăng nội địa lại ở mức thấp. Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu trên GDP cao nhất châu Á, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 vượt 90% GDP. Tuy nhiên, có hai điểm cần đặc biệt lưu ý: Thứ nhất, phần lớn giá trị xuất khẩu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 70–75% tổng kim ngạch xuất khẩu; thứ hai, tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa (domestic value added – DVA) trong nhiều nhóm ngành xuất khẩu chủ lực vẫn ở mức thấp, tức là Việt Nam chủ yếu tham gia vào các khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp, trong khi các công đoạn có giá trị cao như thiết kế, công nghệ và phân phối lại chủ yếu do các tập đoàn đa quốc gia kiểm soát.
Xét về các nhóm ngành có giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ nội địa hóa thấp và dễ chịu tác động bất lợi nhất, có thể liệt kê như sau. Thứ nhất, ngành điện tử – bao gồm sản phẩm linh kiện và thiết bị đầu cuối – là nhóm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hơn 95% linh kiện quan trọng của ngành này phải nhập khẩu, chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan, khiến mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào cực kỳ cao. Thứ hai, ngành dệt may và da giày – những ngành sử dụng nhiều lao động và đóng góp khoảng 10–12% tổng kim ngạch xuất khẩu – có tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 40–45% tùy từng phân ngành, phần còn lại vẫn chủ yếu nhập khẩu từ các nguồn như Trung Quốc và Hàn Quốc. Thứ ba, ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ – mặc dù có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao – đang đối mặt với rủi ro gia tăng từ các vụ điều tra phòng vệ thương mại và cáo buộc gian lận xuất xứ tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ.
Những nhóm ngành nêu trên đều có giá trị gia tăng nội địa ở mức thấp đến trung bình, trong khi mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào dao động từ rất cao (như ngành điện tử) đến trung bình (như ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ). Các rủi ro lớn nhất đối với các ngành hàng này hiện nay bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các rào cản xuất xứ, yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp), các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng và yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe hơn từ các thị trường xuất khẩu lớn.
PV: Xét từ góc độ thể chế và năng lực điều hành, theo ông, đâu là những ưu tiên chiến lược mà Việt Nam cần bổ sung để nâng cao khả năng ứng phó với các biến động thương mại toàn cầu, đặc biệt trong việc vận dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại và xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Có thể khẳng định rằng thể chế là yếu tố then chốt quyết định liệu Việt Nam chỉ tiếp tục đóng vai trò là "người tham gia" hay có thể vươn lên thành "người kiến tạo" trong trật tự thương mại toàn cầu mới. Đồng thời, năng lực điều hành sẽ là nhân tố quyết định mức độ hiệu quả trong việc thực thi các vai trò đó. Từ góc nhìn của ADB, nếu phải xác định các ưu tiên chiến lược cần bổ sung trong phản ứng chính sách, tôi cho rằng cần bắt đầu từ cấp độ định vị chiến lược và định hướng tổng thể, bên cạnh các biện pháp và công cụ cụ thể.
Việt Nam, với tư cách là một "người tham gia" tích cực trong hệ thống thương mại toàn cầu trong gần hai thập kỷ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thích ứng với những biến động mới, Việt Nam cần chủ động và nhạy bén hơn nữa trong việc định vị lại mục tiêu và định hướng chiến lược, theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế đối ngoại và kinh tế trong nước, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng và năng suất lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa cung cấp sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ. Điều này sẽ tạo điều kiện để Việt Nam vận dụng các công cụ chính sách một cách hiệu quả và kịp thời hơn.
![]() |
Xét về các công cụ chính sách cụ thể, có thể phân thành hai nhóm lớn: (i) các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và (ii) chính sách ưu đãi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đối với nhóm công cụ phòng vệ thương mại, Việt Nam hiện vẫn còn những hạn chế đáng kể về chủ động chính sách và năng lực thực thi. Mặc dù là một quốc gia xuất khẩu lớn, Việt Nam còn yếu trong việc tự bảo vệ thị trường nội địa, do thiếu phản xạ chính sách kịp thời về PVTM nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu giá rẻ hoặc các hành vi gian lận thương mại. Các biện pháp PVTM của Việt Nam hiện nay chủ yếu mang tính chất "phản ứng thụ động", chưa hình thành được một chiến lược chủ động toàn diện. Trên thực tế, số lượng vụ việc PVTM do Việt Nam khởi xướng vẫn còn thấp so với quy mô thương mại ngày càng mở rộng.
Ngoài ra, còn tồn tại sự thiếu kết nối hiệu quả giữa cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Hệ thống dữ liệu thị trường và cơ chế cảnh báo sớm ở Việt Nam chưa thực sự vận hành hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp trong nước không biết cách khởi xướng các vụ việc PVTM hoặc thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự để theo đuổi các vụ kiện, trong khi cơ quan quản lý nhà nước cũng thiếu công cụ và cơ chế chủ động hỗ trợ doanh nghiệp.
Về năng lực điều tra và phối hợp quốc tế, Việt Nam còn tương đối yếu. Các cơ quan chuyên trách như Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên sâu, đặc biệt là các chuyên gia am hiểu sâu sắc về Luật WTO và kỹ năng điều tra thị trường quốc tế. Trong khi đó, các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, EU đã xây dựng được hệ thống pháp lý và kỹ thuật cực kỳ tinh vi và chặt chẽ. Điều này khiến Việt Nam dễ rơi vào trạng thái bị động khi bị khởi kiện các vụ chống bán phá giá hoặc điều tra gian lận xuất xứ, nhưng lại chưa đủ năng lực chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp trong nước.
Đối với chính sách ưu đãi FDI, tồn tại những bất cập rõ rệt trong chiến lược ưu tiên và điều kiện thực thi. Việt Nam đang cạnh tranh thu hút FDI chủ yếu bằng các ưu đãi về thuế suất, giá đất, hạ tầng giá rẻ, nhưng lại thiếu chính sách định hướng chiến lược như "đặt hàng công nghệ" hoặc yêu cầu kết nối với doanh nghiệp nội địa và nhà cung cấp nội địa. Việt Nam chưa tận dụng được vai trò "người mua lớn" của Nhà nước trong giai đoạn xây dựng công nghiệp nền tảng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia từng làm, để kéo theo sự phát triển công nghệ nội địa.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách hiện hành chưa thực sự có bộ tiêu chí rõ ràng nhằm phân loại và lựa chọn FDI có chất lượng cao, thân thiện với môi trường (low-carbon FDI) và có khả năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hệ quả là dòng vốn FDI vào Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào các khâu lắp ráp, gia công đơn giản, chậm phát triển theo chiều sâu, chưa mở rộng mạnh mẽ mạng lưới nhà cung cấp nội địa hoặc thực hiện chuyển giao công nghệ thực chất.
Một vấn đề khác cũng rất đáng lưu ý là mức độ liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp nội địa hiện còn rất thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn FDI tại Việt Nam hiện chỉ ở mức dưới 20%. Việt Nam chưa có một chính sách đồng bộ nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ xung quanh các cụm công nghiệp công nghệ cao, dẫn tới nguy cơ tụt lại phía sau trong chuỗi giá trị toàn cầu mới.
PV: Thưa ông, ADB hiện áp dụng những cơ chế hỗ trợ tài chính và kỹ thuật nào cho các nền kinh tế chịu áp lực từ thuế đối ứng và gián đoạn thương mại toàn cầu? Riêng với Việt Nam, ADB đang triển khai hoặc đề xuất những gói hỗ trợ nào nhằm nâng cao năng lực logistics và quản trị rủi ro chuỗi cung ứng?
Ông Nguyễn Bá Hùng: ADB hiện đang triển khai các hỗ trợ toàn diện cả về tài chính và kỹ thuật cho các quốc gia thành viên trong bối cảnh kinh tế - thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều biến động phức tạp.
Về hỗ trợ tài chính, ADB cung cấp các khoản vay thông qua hai kênh: vốn vay dành cho khu vực nhà nước (sovereign lending) và vốn vay dành cho khu vực tư nhân (non-sovereign lending). Đối với khu vực nhà nước, ADB tài trợ cho các dự án hạ tầng kinh tế - kỹ thuật trọng yếu như cảng biển, logistics, năng lượng và giao thông xuyên biên giới, đồng thời hỗ trợ đầu tư vào các khu logistics, cảng cạn (Inland Container Depot – ICD) và hệ thống kho bãi chiến lược nhằm tăng cường kết nối chuỗi cung ứng. ADB cũng có thể hỗ trợ các chương trình cải cách của chính phủ thông qua hình thức tài trợ trực tiếp vào ngân sách (policy-based lending).
Trong thời gian tới, ADB đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các địa phương để phát triển hành lang giao thông kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các cảng biển quốc tế, qua đó nâng cao hiệu quả kết nối các vùng sản xuất và khu công nghiệp xuất khẩu.
Đối với khu vực tư nhân, ADB cung cấp vốn vay trực tiếp hoặc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược như chuỗi cung ứng thực phẩm, logistics thông minh (smart logistics), sản xuất sạch (green supply chain) và công nghiệp hỗ trợ bền vững. Bên cạnh đó, ADB cũng triển khai Chương trình Tài trợ Thương mại (Trade Finance Program – TFP), hợp tác với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam để cung cấp tín dụng ngắn hạn, nhằm giảm thiểu rủi ro và chi phí cho các giao dịch xuất nhập khẩu.
Về hỗ trợ kỹ thuật (technical assistance – TA), ADB triển khai nhiều chương trình nhằm tăng cường năng lực thể chế trong quản lý rủi ro thương mại, phân tích và đánh giá các chuỗi cung ứng trọng yếu, xác định mức độ dễ tổn thương và khả năng phục hồi. ADB cũng hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong các lĩnh vực như hải quan, logistics, và phòng vệ thương mại, đồng thời nghiên cứu phát triển hệ thống logistics thông minh và thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại.
ADB hiện đang là đối tác kỹ thuật quan trọng trong các sáng kiến khu vực như Cơ chế Cửa khẩu Một cửa ASEAN (ASEAN Single Window), Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO (Trade Facilitation Agreement – TFA), cũng như các chương trình hợp tác tiểu vùng như Tiểu vùng Mekong mở rộng (Greater Mekong Subregion – GMS) và Chương trình Hợp tác Kinh tế khu vực Trung Á (Central Asia Regional Economic Cooperation – CAREC), nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên hội nhập sâu hơn vào thương mại khu vực và toàn cầu.
Riêng đối với Việt Nam, ADB đang tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực thể chế trong quản trị chuỗi cung ứng, đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các ngành như điện tử, dệt may, nông sản và năng lượng tái tạo. Qua đó, ADB kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào đầu vào nhập khẩu và tháo gỡ các điểm nghẽn trong hệ thống logistics quốc gia.
PV: Trong trung và dài hạn, phát triển bền vững đòi hỏi Việt Nam phải tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất tổng hợp (TFP), giảm phụ thuộc vào xuất khẩu chi phí thấp và tăng hàm lượng công nghệ. ADB có định hướng hỗ trợ nào nhằm giúp Việt Nam nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển công nghiệp phụ trợ, cải thiện chỉ số logistics quốc gia và thu hẹp khoảng cách đổi mới sáng tạo?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Trước hết, cần nhấn mạnh rằng Việt Nam khó có thể duy trì tăng trưởng "theo chiều rộng", tức là tăng trưởng dựa chủ yếu vào việc gia tăng các yếu tố đầu vào như vốn, lao động và đất đai. Việt Nam cần chuyển sang mô hình tăng trưởng "theo chiều sâu", trong đó các yếu tố như năng suất, chất lượng và hiệu quả giữ vai trò chủ đạo, nghĩa là ngay cả khi không tăng thêm, thậm chí giảm bớt đầu vào, vẫn có thể duy trì hoặc nâng cao đầu ra. Sự chuyển đổi này đòi hỏi tổng hợp nhiều điều kiện, từ năng lực công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản trị – điều hành, đến khả năng vận hành hệ thống hiệu quả và tiếp cận được chi phí vốn cạnh tranh.
Trong trung và dài hạn, Việt Nam cần chú trọng bốn khía cạnh cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng bền vững. Thứ nhất, nâng cao chất lượng hạ tầng nhằm cải thiện hiệu quả và giảm chi phí logistics. Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực toàn diện, không chỉ về kỹ năng chuyên môn mà còn về năng lực tiếp cận công nghệ, cung ứng dịch vụ giá trị cao và năng lực quản trị điều hành. Thứ ba, gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, thông qua chuyển đổi số và nâng cấp chuỗi giá trị. Và thứ tư, phát triển thị trường tài chính vận hành hiệu quả hơn, nhằm nâng cao hiệu quả huy động vốn và giảm chi phí tài chính, đặc biệt với nguồn vốn đầu tư trung – dài hạn.
![]() |
Từ góc nhìn của ADB, đây chính là những trụ cột then chốt trong chương trình hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong thời gian tới. Cụ thể, chương trình Đối tác Quốc gia (Country Partnership Strategy – CPS) của ADB với Việt Nam giai đoạn 2023–2026 tập trung vào hai trụ cột chính: (i) hỗ trợ chuyển đổi xanh và phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, và (ii) đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân và phát triển bao trùm, nhằm tạo động lực cho các nhóm cộng đồng yếu thế.
Danh mục các dự án hỗ trợ ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2024–2027 cũng được thiết kế đồng bộ với các ưu tiên chiến lược quốc gia, nhấn mạnh tiến trình chuyển đổi sang phát triển xanh, thúc đẩy nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. ADB đã và đang tăng cường hoạt động cho vay dành cho khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, ở cả cấp trung ương và địa phương, để hiện thực hóa các hỗ trợ này.
Các lĩnh vực chính mà ADB đang hỗ trợ cho Việt Nam bao gồm: tăng cường trao đổi, đối thoại chính sách và xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi để thúc đẩy đầu tư công hiệu quả và thu hút đầu tư tư nhân; phát triển và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao nhằm phát triển bền vững, bao trùm và tăng khả năng chống chịu trước rủi ro, đồng thời góp phần cải thiện chỉ số Năng lực Logistics quốc gia (Logistics Performance Index – LPI); phát triển thị trường tài chính và thị trường vốn với định hướng bền vững; tăng cường chất lượng giáo dục nghề và đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao, sẵn sàng thích ứng với công nghệ mới; và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân thông qua các dự án đầu tư có tác động phát triển rõ rệt, đồng thời huy động các nguồn lực bên ngoài.
Những hỗ trợ toàn diện này từ ADB được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, phát triển công nghiệp phụ trợ, cải thiện chỉ số năng lực logistics quốc gia và tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong tương lai.
PV: Nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang và định hình thành trạng thái 'bình thường mới', theo ông, Việt Nam cần ưu tiên những nhóm chính sách nào trong giai đoạn 2025–2030, đặc biệt về điều tiết cán cân đối ngoại, điều hành tỷ giá linh hoạt và thu hút dòng vốn FDI bền vững?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Trong bối cảnh bất định kéo dài, với căng thẳng thương mại, cạnh tranh công nghệ và chủ nghĩa bảo hộ dần định hình một trạng thái "bình thường mới", Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng đẩy mạnh cầu nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh để duy trì cũng như mở rộng thị phần xuất khẩu một cách đa dạng hơn. Với cách tiếp cận này, có thể xác định ba nhóm chính sách ưu tiên lớn.
Một là, thúc đẩy cầu nội địa thông qua chính sách tài khóa và hỗ trợ tiêu dùng. Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công, gia tăng chi tiêu công, đồng thời kích thích tiêu dùng nội địa thông qua các biện pháp như giảm thuế và triển khai các chương trình kích cầu hiệu quả. Việc duy trì nguồn cầu nội địa vững chắc sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cân bằng tăng trưởng khi cầu xuất khẩu sụt giảm. Trong đó, yếu tố quyết định là chính sách cần được triển khai nhanh chóng, thiết thực và hiệu quả, tránh để chính sách chỉ dừng lại ở chủ trương hay văn bản.
Hai là, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao và phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Việt Nam cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng thị trường lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao để thu hút FDI thế hệ mới. Trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng quy mô lớn diễn ra trong thời gian ngắn, ngoài năng lực triển khai nội địa, sự tham gia của các doanh nghiệp FDI vào các dự án đầu tư công – đặc biệt theo mô hình đối tác công tư (Public-Private Partnership – PPP) – sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả. Đồng thời, Việt Nam cần chuyển đổi chính sách ưu đãi FDI từ ưu đãi thuần túy về thuế, đất đai sang ưu đãi dựa trên giá trị lan tỏa công nghệ, tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) và năng lực nội địa hóa. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế gắn kết bắt buộc giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thông qua chỉ tiêu tối thiểu về tỷ lệ nội địa hóa, yêu cầu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), và chuyển giao công nghệ trong các ngành công nghiệp chiến lược.
Ba là, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là điều tiết hợp lý cán cân đối ngoại và điều hành tỷ giá linh hoạt. Việt Nam cần tiếp tục củng cố các trụ cột ổn định kinh tế vĩ mô: duy trì cân bằng cán cân vãng lai (current account), cán cân vốn (capital account) và tài khóa lành mạnh để củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, việc duy trì cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt, chủ động can thiệp nhằm giảm thiểu các cú sốc từ bên ngoài, đồng thời tăng cường dự trữ ngoại hối, sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng ứng phó với những biến động mạnh của kinh tế toàn cầu.
Nếu thực hiện hiệu quả các nhóm chính sách này, Việt Nam không những có thể ứng phó linh hoạt với những bất định trong môi trường kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới mà còn tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng bền vững trung và dài hạn đến năm 2030 và các năm tiếp theo.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung: Thanh Liêm - Thanh Mai.
Thiết kế: Bảo Lân.