Làn sóng IPO Vinpearl, TCBS, Nhựa Hoa Sen, Thaco Auto…: Cơ hội mới từ tái cấu trúc thị trường vốn theo tinh thần Nghị quyết 68

Sau chặng đường đổi mới từ những năm 1980, doanh nghiệp Nhà nước từng giữ vai trò trung tâm, được ví như những “quả đấm thép” trong chiến lược phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, trong một thập kỷ trở lại đây, Việt Nam đã dần chuyển trục chính sách theo hướng thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh phát triển mới.

Đáng chú ý, Nghị quyết 68-NQ/TW do Bộ Chính trị vừa ban hành đã tạo cú hích mạnh mẽ, chính thức xác lập vai trò trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển quốc gia, song hành cùng khu vực kinh tế Nhà nước đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.

Một trong những định hướng lớn là phát triển các kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhằm tạo dòng vốn ổn định, dài hạn và chi phí hợp lý cho khu vực tư nhân. Chiến lược này không chỉ giúp doanh nghiệp tư nhân đẩy mạnh IPO, giảm phụ thuộc vào vốn ngân hàng mà còn mở ra cơ hội thu hút dòng tiền quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025.

Để làm rõ hơn bức tranh huy động vốn qua thị trường chứng khoán cũng như tiềm năng bứt phá của khu vực tư nhân trong thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Làn sóng IPO Vinpearl, TCBS, Nhựa Hoa Sen, Thaco Auto…: Cơ hội mới từ tái cấu trúc thị trường vốn theo tinh thần Nghị quyết 68

Thưa ông, Bộ Chính trị vừa ký Nghị quyết 68-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và việc phát triển các kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Ông đánh giá như thế nào về tác động này đến khả năng huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân (đặc biệt là nhóm trên sàn chứng khoán) trong giai đoạn tới?

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền tệ và tài chính quốc gia nhấn mạnh vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân và định hướng phát triển mạnh các kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Cá nhân tôi cho rằng đây là một bước đi chiến lược thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân - vốn lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Khi thiếu sự quan tâm và hỗ trợ, các doanh nghiệp tư nhân cũng thiếu động lực để phát triển mạnh mẽ. Việc Nhà nước bắt đầu xoay trục, tập trung trở lại vào khu vực tư nhân là điều tích cực.

Trước hết, vấn đề then chốt cần giải quyết chính là vốn. Để phát triển và tạo ra lợi nhuận bền vững, doanh nghiệp cần đảm bảo chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí vốn ở mức hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất tại Việt Nam đã duy trì ở mức khá thấp và gần như khó giảm thêm nữa. Trong khi đó, doanh nghiệp lại đang phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng.

Trong bối cảnh có sự “lệch pha” giữa nhu cầu vốn trung dài hạn của doanh nghiệp và khả năng cung ứng vốn ngắn hạn từ hệ thống ngân hàng, việc vực dậy thị trường vốn trở nên cấp thiết. Đây không chỉ là kênh dẫn vốn hiệu quả với chi phí hợp lý hơn, mà còn phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng và đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, thị trường vốn chủ yếu thu hút dòng tiền qua hai kênh chính là cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh công cụ chứng khoán hóa các khoản nợ. Đây là những nguồn vốn có chi phí thấp hơn so với vay ngân hàng, đồng thời phù hợp với nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp, giúp duy trì sự ổn định tài chính bền vững.

Tôi cho rằng, nếu làm tốt, thị trường vốn sẽ là “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các công ty niêm yết giảm phụ thuộc vào ngân hàng, mở ra cơ hội tiếp cận nguồn lực tài chính bền vững hơn, từ đó tạo nền tảng để khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế.

Làn sóng IPO Vinpearl, TCBS, Nhựa Hoa Sen, Thaco Auto…: Cơ hội mới từ tái cấu trúc thị trường vốn theo tinh thần Nghị quyết 68

Vậy theo ông, các công cụ huy động vốn trên sẽ tác động ra sao đến cấu trúc thị trường vốn Việt Nam, đặc biệt trong việc dẫn vốn cho khu vực tư nhân?

Lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam cho thấy, tín dụng ngân hàng từ lâu vẫn là “xương sống” trong huy động vốn. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào kênh này không chỉ gây áp lực cho hệ thống ngân hàng mà còn tiềm ẩn rủi ro dài hạn. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán hóa khoản nợ nổi lên như những “đòn bẩy” tài chính quan trọng, góp phần đa dạng hóa cấu trúc thị trường vốn và giảm tải áp lực cho ngân hàng.

Cổ phiếu, trái phiếu trở thành công cụ huy động vốn trung và dài hạn tối ưu, giúp doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn trong bất động sản, hạ tầng, sản xuất có thể tiếp cận nguồn vốn ổn định với chi phí hợp lý hơn. Trong khi đó, chứng khoán hóa khoản nợ không chỉ giúp tăng tính thanh khoản cho các khoản nợ vốn ít được giao dịch mà còn mở ra kênh trao đổi tài sản giữa các tổ chức tài chính và nhà đầu tư một cách linh hoạt, minh bạch. Đây chính là bước tiến quan trọng giúp xây dựng một thị trường vốn sâu rộng, đa dạng sản phẩm và minh bạch thông tin, tạo điều kiện để dòng vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước chảy vào khu vực tư nhân - vốn là “đầu tàu” của tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Nghị quyết 68 nhấn mạnh yêu cầu nâng hạng và tái cơ cấu thị trường chứng khoán nhằm mở rộng kênh huy động vốn ổn định, chi phí thấp cho kinh tế tư nhân. Theo ông, thị trường hiện nay đã thực sự sẵn sàng cho mục tiêu này? Đâu là những điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ?

Về mặt hạ tầng, thị trường chứng khoán đã gần như hội tụ đầy đủ các điều kiện kỹ thuật và vận hành cần thiết để mở rộng quy mô và giảm thiểu chi phí huy động vốn. Không chỉ vậy, ý chí và định hướng phát triển cũng đã được khẳng định rõ ràng, thể hiện qua các chính sách hỗ trợ và lộ trình nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là sản phẩm tài chính hạn chế và cơ cấu sở hữu vẫn còn rất “khập khiễng”.

Đầu tiên, cấu trúc sản phẩm tài chính hiện nay vẫn quá đơn điệu và thiếu chiều sâu. Sau 25 năm phát triển, thị trường vẫn chưa đủ sức hút để thu hút dòng vốn lớn khi các sản phẩm tài chính mới vẫn còn hạn chế. Đây chính là vấn đề cấp bách cần tháo gỡ nếu muốn thị trường chứng khoán trở thành “mỏ vàng” huy động vốn cho khu vực tư nhân.

Tiếp đến, cơ cấu sở hữu còn nhiều bất cập khi chiếm phần lớn là nhà đầu tư cá nhân trong nước - nhóm nhà đầu tư có xu hướng phản ứng nhạy bén với biến động thị trường trong ngắn hạn. Điều này khiến thị trường chứng khoán có tính dao động cao hơn trước các tác động từ bên ngoài, tạo thách thức nhất định trong việc duy trì sự ổn định cho các doanh nghiệp trong quá trình huy động vốn.

Do đó, việc gỡ bỏ các rào cản pháp lý cùng với việc hoàn thiện cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức tài chính - cả trong và ngoài nước - là điều không thể trì hoãn. Chỉ khi đó, thị trường mới có thể thu hút được dòng vốn lớn, ổn định và chuyên nghiệp hơn, từ đó giảm bớt sự lệ thuộc và ảnh hưởng quá mức từ nhà đầu tư cá nhân, đồng thời mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn với chi phí hợp lý.

Làn sóng IPO Vinpearl, TCBS, Nhựa Hoa Sen, Thaco Auto…: Cơ hội mới từ tái cấu trúc thị trường vốn theo tinh thần Nghị quyết 68

Nói thêm về câu chuyện IPO khi năm 2024 chỉ có duy nhất thương vụ của DNSE, theo ông, đâu là rào cản lớn nhất hiện nay khiến doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa thể tận dụng tốt thị trường vốn để mở rộng quy mô (hoặc ngại IPO)?

Việc năm 2024 chỉ ghi nhận duy nhất một thương vụ IPO đáng chú ý là của DNSE giữa bối cảnh thị trường tài chính bắt đầu phục hồi là một tín hiệu cho thấy còn nhiều rào cản đang kìm hãm khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), trong việc tận dụng thị trường vốn để IPO hoặc mở rộng quy mô.

Rào cản đầu tiên phải kể đến chính là yếu tố nền tảng. Để được niêm yết, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về minh bạch tài chính, quản trị công ty và năng lực kiểm toán. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu phổ biến của nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết - đặc biệt là các SMEs vốn quen vận hành theo mô hình khép kín, thiếu hệ thống kiểm soát nội bộ chuẩn hóa.

Thứ hai, chi phí và quy trình IPO cũng là yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc IPO cũng có thể gây gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp và nhân sự, cùng với đó quy trình phức tạp cũng khiến các doanh nghiệp e ngại niêm yết.

Cùng với đó là tâm lý lo ngại mất quyền kiểm soát và áp lực sau IPO cũng khiến các doanh nghiệp trì hoãn hay né tránh IPO, ngay cả khi doanh nghiệp có tiềm lực.

Một rào cản quan trọng khác đến từ chính cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm trên 85% tổng giao dịch, trong khi sự hiện diện của nhà đầu tư tổ chức - vốn có tầm nhìn dài hạn và khả năng đồng hành cùng doanh nghiệp còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng “lệch pha” trong cấu trúc dòng tiền khi nhiều doanh nghiệp cho rằng việc niêm yết nhưng chủ yếu thu hút dòng vốn nhỏ lẻ, ngắn hạn và dễ biến động sẽ không thực sự hỗ trợ cho chiến lược phát triển dài hạn của họ.

Một điểm ít được nhắc đến nhưng rất đáng lưu ý là khi chưa niêm yết, cổ phần doanh nghiệp thường được tính trên mệnh giá và ít biến động. Tuy nhiên sau khi lên sàn, giá cổ phiếu bắt đầu dao động mạnh, có lúc tăng vọt, có lúc giảm sâu theo tâm lý thị trường. Với các cổ đông lớn, đặc biệt là nhóm sáng lập, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị tài sản cũng như khả năng sử dụng cổ phần làm tài sản đảm bảo. Khi tài sản đảm bảo biến động quá mạnh, ngân hàng sẽ trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay, đồng thời kéo theo rủi ro cho các kế hoạch tài chính cá nhân.

Chính sự thiếu ổn định này, vốn chủ yếu xuất phát từ hành vi đầu tư ngắn hạn của nhà đầu tư nhỏ lẻ, đang khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại về tính bền vững của dòng vốn sau IPO. Đây là một bất cập lớn cần được cải thiện nếu muốn phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn thực sự hiệu quả.

Trong năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng có nhiều thương vụ IPO của các doanh nghiệp lớn như Vinpearl, Thaco Auto, Nhựa Hoa Sen, TCBS… Theo ông, sự xuất hiện của các tên tuổi này sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của thị trường chứng khoán và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước?

Tôi cho rằng sự trở lại của các thương vụ IPO lớn như Vinpearl, Thaco Auto, Nhựa Hoa Sen, TCBS… có thể tạo ra làn gió mới và tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trên nhiều phương diện. Đây không chỉ là các sự kiện tài chính đơn lẻ, mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với quá trình nâng tầm chất lượng thị trường, tăng thanh khoản và thu hút dòng vốn mới.

Thực tế cho thấy, từ sau năm 2020 đến nay, số lượng doanh nghiệp IPO là rất hạn chế. Thị trường gần như không có thêm “hàng hóa” mới, khiến cho nhà đầu tư có ít sự lựa chọn giao dịch. Do đó, sự kiện niêm yết của Vinpearl trong những ngày vừa qua có ý nghĩa rất lớn, như một lời khẳng định rằng thị trường chứng khoán vẫn là điểm đến hấp dẫn để doanh nghiệp huy động vốn.

Quan trọng hơn, thương vụ của Vinpearl có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tạo ra niềm tin và động lực cho những doanh nghiệp khác đang trong trạng thái “lưỡng lự” về việc niêm yết. Khi nhìn thấy một ông lớn thành công, họ sẽ có thêm động lực, thêm niềm tin rằng niêm yết vẫn là con đường đáng đi để mở rộng quy mô và nâng tầm doanh nghiệp.

Với thị trường, mỗi thương vụ IPO quy mô lớn sẽ đóng góp đáng kể vào vốn hóa chung. Đây là yếu tố quan trọng giúp cải thiện các chỉ số kỹ thuật và nâng cao sức hấp dẫn của thị trường trong mắt các tổ chức nâng hạng quốc tế như MSCI hay FTSE.

Cuối cùng, sự trở lại của các thương vụ IPO còn có ý nghĩa trong việc tái cấu trúc thị trường theo hướng lành mạnh và cân bằng hơn. Việc xuất hiện thêm các doanh nghiệp niêm yết thuộc đa dạng lĩnh vực sẽ giúp vốn hóa thị trường sẽ được nâng lên một mặt bằng mới, cải thiện cấu trúc các ngành để tránh sự phụ thuộc vào nhóm ngân hàng hay bất động sản. Qua đó, tạo ra lớp cổ phiếu bluechip mới, đủ tiêu chuẩn để lọt vào danh mục của các quỹ chỉ số, ETF và trở thành điểm đến của nhà đầu tư tổ chức.

Đồng thời, việc IPO và niêm yết các doanh nghiệp lớn được kỳ vọng thu hút dòng tiền trở lại, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng là chất xúc tác quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam chuyển mình, tiến tới mục tiêu nâng hạng trong năm 2025.

Làn sóng IPO Vinpearl, TCBS, Nhựa Hoa Sen, Thaco Auto…: Cơ hội mới từ tái cấu trúc thị trường vốn theo tinh thần Nghị quyết 68

Nghị quyết 68 đặt ra nhiều định hướng phát triển hạ tầng tài chính và nâng cao vai trò của thị trường vốn. Theo ông, những chính sách này sẽ mở ra cơ hội gì cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong hoạt động IPO và huy động vốn trong thời gian tới?

Nghị quyết 68-NQ/TW là một dấu mốc quan trọng thể hiện tư duy cải cách và sự cam kết thể chế hóa vai trò của thị trường vốn trong phát triển kinh tế tư nhân. Những định hướng mới về phát triển hạ tầng tài chính và nâng cao vai trò của thị trường vốn sẽ tạo điều kiện nền tảng, đồng bộ hơn cho hoạt động IPO và huy động vốn của doanh nghiệp tư nhân.

Tôi cho rằng đây là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp tư nhân củng cố niềm tin và được khuyến khích mạnh dạn niêm yết, từ đó thúc đẩy làn sóng IPO mới với sự tham gia rộng rãi hơn từ khu vực tư nhân. Không gian huy động vốn cũng sẽ được mở rộng, không chỉ dành cho các tập đoàn lớn mà còn bao gồm cả doanh nghiệp vừa, nhỏ cùng các startup tiềm năng - những đối tượng lâu nay vốn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận vốn dài hạn. Qua đó góp phần đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn chủ lực, thay vì chỉ phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Quan trọng hơn, đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp chuyển đổi từ “tư duy gia đình” sang mô hình doanh nghiệp đại chúng hiện đại, minh bạch và chuyên nghiệp. Việc này không chỉ giúp nâng cao năng lực quản trị, mở rộng quy mô, mà còn tạo đòn bẩy tăng trưởng bền vững, giúp doanh nghiệp tư nhân thực sự bứt phá và đóng góp ngày càng lớn hơn vào nền kinh tế.

Làn sóng IPO Vinpearl, TCBS, Nhựa Hoa Sen, Thaco Auto…: Cơ hội mới từ tái cấu trúc thị trường vốn theo tinh thần Nghị quyết 68

Trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và huy động vốn từ các nguồn tài chính dài hạn, ông có thể chỉ ra những ngành nghề sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách này trong thời gian tới?

Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu một bước chuyển tư duy chiến lược trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong việc thúc đẩy cấu trúc tài chính của doanh nghiệp chuyển dịch từ phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng sang chủ động khai thác hiệu quả các nguồn vốn thị trường. Đây không chỉ là một định hướng mang tính cải cách thể chế, mà còn mở ra không gian chính sách thuận lợi để doanh nghiệp tận dụng thị trường vốn như một kênh huy động dài hạn, minh bạch và bền vững hơn.

Trong bối cảnh đó, một số nhóm ngành sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ từ tiến trình này. Đầu tiên là nhóm bất động sản - hạ tầng, vốn có nhu cầu sử dụng vốn lớn và thường xuyên, sẽ có thêm nguồn lực huy động thay vì lệ thuộc vào kênh tín dụng truyền thống. Tiếp đến là các ngành công nghiệp - sản xuất - chế biến, những lĩnh vực mang tính nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, có thể dễ dàng thu hút dòng vốn dài hạn thông qua IPO và niêm yết nhờ triển vọng tăng trưởng rõ ràng và khả năng mở rộng quy mô.

Các lĩnh vực như năng lượng, logistics và công nghệ xanh cũng sẽ nổi lên nhờ phù hợp với chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh mà Nhà nước đang ưu tiên, đồng thời có thể tận dụng xu hướng đầu tư vào trái phiếu xanh (ESG). Nhóm ngành du lịch, tiêu dùng và dịch vụ - đặc biệt là các doanh nghiệp có thương hiệu và nền tảng tăng trưởng ổn định sẽ hấp dẫn dòng vốn mới khi niêm yết nhờ khả năng tạo dòng tiền đều đặn và sức bật sau đại dịch.

Đáng chú ý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cùng với các startup cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường vốn tốt hơn khi được hỗ trợ về hạ tầng, cơ chế pháp lý và giảm thiểu các rào cản trong quá trình niêm yết. Điều này giúp mở rộng diện doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn trung và dài hạn, từ đó thúc đẩy sự phát triển năng động, cạnh tranh và bền vững của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới.