Chính phủ chốt thời điểm khởi công đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD, chờ Hòa Phát xác lập vai trò
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo cuộc họp

Tối 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đường sắt. Trong số ba nhóm dự án được đề cập, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được xác định là ưu tiên số một, với mốc khởi công dự kiến vào tháng 12/2026.

"Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ thông điệp “bằng mọi giá phải khởi công đúng hạn”, có thể thấy dự án 67 tỷ USD không chỉ là một siêu công trình hạ tầng, mà còn là đòn bẩy cho cả một chuỗi công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển. Trong hệ sinh thái đó, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nổi lên như một “ứng viên tự nhiên” cho vai trò cung ứng và hậu cần xây dựng.

Hòa Phát – không vận hành tàu, nhưng có thể vận hành tiến độ

Tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long không làm kỹ thuật đường sắt. Nhưng với vị thế là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam, Hòa Phát có thể đóng vai trò trụ cột trong cung ứng vật liệu, thiết bị hạ tầng và xây lắp công trình – những thành phần cốt lõi của bất kỳ tuyến đường sắt nào.

Ray tàu, dầm cầu, kết cấu thép nhà ga, trụ cột chịu lực, hệ thống đỡ điện… là những cấu kiện Hòa Phát hoàn toàn có thể sản xuất và cung ứng nội địa, giúp kiểm soát giá thành, rút ngắn tiến độ và đặc biệt là tăng tỷ lệ nội địa hóa, điều Chính phủ đang ưu tiên.

Không dừng lại ở đó, Hòa Phát còn đang chuẩn bị “vũ khí chuyên dụng”: Ngày 21/3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp bàn đề xuất xây dựng nhà máy thép ray chuyên dụng của Hòa Phát tại xã Bình Thuận – phục vụ riêng cho các tuyến đường sắt cao tốc và đô thị. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến triển khai từ 2025–2027, cần khoảng 42ha đất.

Chính phủ chốt thời điểm khởi công đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD, chờ Hòa Phát xác lập vai trò
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát

Tại buổi gặp mặt đầu năm với Chính phủ, ông Trần Đình Long từng khẳng định: “Đây là sản phẩm rất đặc thù, nếu không dùng trong các dự án trọng điểm thì không biết bán cho ai. Hòa Phát cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng, sẵn sàng cung cấp toàn bộ 10 triệu tấn thép cho dự án với giá cả, chất lượng và tiến độ cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu”.

Tăng tốc: Hai năm để vào “guồng sắt” quốc gia

Nếu Chính phủ giữ đúng cam kết khởi công tháng 12/2026, thì từ nay đến đó, cả hệ thống – từ hoạch định đến sản xuất – chỉ còn chưa đầy 2 năm để vào guồng. Với riêng Hòa Phát, điều này đồng nghĩa một cuộc tăng tốc về vốn, mặt bằng, sản xuất và công nghệ ngay từ bây giờ.

Cần nhắc lại, tới cuối năm 2024, Hòa Phát đã rót gần 145.000 tỷ đồng vào hai khu liên hợp Dung Quất 1 và 2, tổng vốn đầu tư lên tới 170.000 tỷ. Nếu nhà máy ray được chốt đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng, đây sẽ là mảnh ghép thứ ba, hoàn chỉnh “cú đấm thép” phục vụ ngành công nghiệp đường sắt.

Cơ hội đã mở, thách thức thời gian cũng đã rõ. Tại ĐHCĐ thường niên diễn ra sáng 17/4 tới đây, giới đầu tư đang chờ đợi Hòa Phát công bố chính thức việc tham gia chuỗi cung ứng cho dự án đường sắt quốc gia. Nếu xác lập vai trò trong dự án hạ tầng biểu tượng này, đây không chỉ là bước ngoặt với tập đoàn, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ cho năng lực công nghiệp Việt Nam.