Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP, phê duyệt Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đề ra, bên cạnh các công việc thường xuyên.

Một trong những yêu cầu trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và phá sản doanh nghiệp.

Chậm nhất đến ngày 31/12/2025, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, thực hiện giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% số lượng điều kiện kinh doanh, hướng tới tiếp tục cắt giảm mạnh hơn trong những năm sau.

Chính phủ nhấn mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số một cách triệt để để giảm tối đa thời gian, chi phí trong toàn bộ quy trình thủ tục liên quan đến gia nhập và rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn – quy chuẩn… Đồng thời, yêu cầu triển khai dịch vụ công dành cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Các mục tiêu, lộ trình của Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2025–2026 cần được đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, yêu cầu rà soát, sửa đổi điều kiện đầu tư kinh doanh, chuyển căn bản từ mô hình cấp phép, chứng nhận sang công bố điều kiện kinh doanh kèm hậu kiểm hiệu quả, ngoại trừ một số lĩnh vực buộc phải cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lặp tại các doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh. Số lần kiểm tra – bao gồm cả kiểm tra liên ngành không được vượt quá một lần mỗi năm, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.