Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 52 Nghị định 86/2025/NĐ-CP ngày 11/4/2025, cơ quan điều tra sẽ ra thông báo tiếp nhận hồ sơ rà soát cuối kỳ ít nhất 15 tháng trước khi biện pháp hiện hành hết hiệu lực. Việc rà soát nhằm đánh giá xem liệu có tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá hay không.
Trong trường hợp các doanh nghiệp sản xuất trong nước không nộp hồ sơ đúng thời hạn, hoặc hồ sơ không hợp lệ, Bộ Công Thương có quyền không gia hạn biện pháp chống bán phá giá.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các bên liên quan chủ động chuẩn bị hồ sơ và nộp chậm nhất vào ngày 31/7/2025. Thời hạn này được tính trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo chính thức của Cơ quan điều tra.
![]() |
Ảnh sợi polyester |
Trước đó, ngày 13/10/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2302/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với các sản phẩm sợi polyester nói trên, theo mã vụ việc AD10.
Theo quyết định này, mức thuế hiện hành lúc đó với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester được phân nhóm theo từng loại thuế. Chủ yếu thuế được áp là thuế thông thường (4,5%) và thuế ưu đãi (3%)...
![]() |
Mức thuế chống bán phá giá với hàng nhập từ Ấn Độ là cao nhất, với 54,9%. Còn các loại nhập từ Indonexia được áp mức 21,94%, và nhập từ Malaixia là 21,54%.
Riêng các nhóm hàng nhập từ Trung Quốc được áp nhiều mức thuế khác nhau, cao nhất là 17,45%, và thấp nhất là 3,44%.
![]() |
Sản phẩm sợi dài làm từ polyester (hay còn gọi là sợi filament polyester) là các loại vải hoặc sản phẩm dệt được tạo ra từ các sợi polyester liên tục, có độ dài không giới hạn. Các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp dệt may, nội thất... nhờ vào các đặc tính như độ bền cao, khả năng chống nhăn, giữ dáng tốt và dễ bảo quản.