Chia sẻ tại hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc 2025”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, đã đưa ra một loạt đề xuất chiến lược nhằm đón đầu làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Theo ông Tâm, việc thu hút hiệu quả không chỉ dừng ở ưu đãi, hạ tầng hay vị trí, mà cốt lõi là nằm ở ba trụ cột: liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghiệp phụ trợ và định hướng đầu tư xanh.

"Nếu không nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, Việt Nam sẽ chỉ là nơi gia công, không hưởng được giá trị thực từ xuất khẩu", ông Tâm chỉ rõ.

Chủ tịch Đặng Thành Tâm: Tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% giúp Việt Nam giữ lại thêm 70 tỷ USD giá trị gia tăng mỗi năm

Nếu không nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, Việt Nam sẽ chỉ là nơi gia công, không hưởng được giá trị thực từ xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và các báo cáo thương mại quốc tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 400 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với gần 136 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu hiện chỉ ở mức 30%, nghĩa là phần lớn giá trị gia tăng vẫn thuộc về khâu nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài.

Ông Đặng Thành Tâm lý giải: Việc nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm trong nước mà còn tạo đà cho phát triển công nghiệp phụ trợ và chuỗi cung ứng bền vững.

"Nếu thực hiện thành công, giá trị gia tăng giữ lại trong nền kinh tế sẽ tăng thêm khoảng 70 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào GDP và cải thiện vị thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế", ông Tâm nhận định.

Ông Tâm cho hay, Kinh Bắc đang cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc và hiệp hội thống nhất đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ liên doanh công nghiệp phụ trợ, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu – đặc biệt là chuỗi xuất khẩu sang Mỹ, nơi xuất xứ và giá trị gia tăng bản địa ngày càng được siết chặt.

Song song, ông Tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc phát triển các ngành công nghệ cao đòi hỏi nhiều kỹ sư, chuyên gia, không chỉ lao động phổ thông. Do đó, ông đề xuất các địa phương có thu nhập cao như Quảng Ninh, Hưng Yên cần chủ động đầu tư vào trung tâm đào tạo gắn với thực tiễn doanh nghiệp.

“Chúng tôi sẵn sàng cùng lãnh đạo các tỉnh sang Hàn Quốc kết nối với đại học, viện nghiên cứu và thiết lập trung tâm đào tạo công nghệ cao tại Việt Nam”, ông Tâm cam kết, nhấn mạnh yếu tố liên kết quốc tế trong phát triển nhân lực.

Một điểm nhấn quan trọng khác trong định hướng thu hút FDI Hàn Quốc là phát triển bền vững và đầu tư xanh. Ông Tâm khẳng định các doanh nghiệp Hàn Quốc ngày nay không còn chỉ quan tâm đến chi phí, mà đặc biệt đề cao yếu tố môi trường, năng lượng tái tạo và chuẩn ESG. Chính vì vậy, các địa phương muốn hút dòng vốn này cần chuyển hướng rõ ràng sang phát triển khu công nghiệp sinh thái, sử dụng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường.

Ví dụ điển hình là dự án hợp tác giữa Kinh Bắc và Trump Organization tại Hưng Yên – tổ hợp 5 sao, sân golf và khu dân cư trị giá 1,5 tỷ USD. Mặc dù Hưng Yên không mạnh về du lịch, nhưng vẫn hút được nhà đầu tư lớn nhờ quyết tâm chính trị rõ ràng và định hướng chiến lược đúng đắn của chính quyền địa phương.

“Doanh nghiệp chỉ là người thực thi, còn mấu chốt là lãnh đạo địa phương có quyết tâm hay không”, ông Tâm kết luận.