Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố một số thông tin liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Mục tiêu là luật hóa các nội dung từ Nghị quyết 42, chuyển từ giải pháp tình thế sang khung pháp lý lâu dài.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lại băn khoăn: Liệu việc luật hóa có thể xử lý tận gốc bài toán nợ xấu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản?
Tại hội thảo với chủ đề "Xử lý nợ xấu: Đâu là giải pháp hài hòa?", ngày 27/5, ông Lê Hoàng Châu,Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhấn mạnh: "Không nên ảo tưởng nợ xấu có thể về 0%. Trong nền kinh tế thị trường, nợ xấu là hệ quả tất yếu. Vấn đề là phải kiểm soát ở mức chấp nhận được, với Việt Nam là khoảng 3%".
![]() |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA - Ảnh: Tiền Phong |
Vị chuyên gia cảnh báo, tình trạng nợ xấu bất động sản đang leo thang và trở nên ngày càng phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của hệ thống tài chính và sức chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu không sớm có giải pháp tổng thể, mang tính đột phá, hàng loạt dự án dang dở sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng “trùm mền”, lãng phí nguồn lực xã hội và gây hệ lụy dài hạn.
“Xử lý nợ xấu không đơn thuần là thu hồi khoản nợ, đó còn là một cơ hội để tái sinh thị trường”, ông Châu nhấn mạnh. “Chính phủ cần mạnh dạn thiết lập một cơ chế đặc thù với tinh thần hành động quyết liệt và phối hợp đồng bộ. Chúng ta cần một cách tiếp cận mới, không chỉ thu hồi được nợ, mà còn tái khởi động được các dự án, cứu sống doanh nghiệp và bảo toàn việc làm cho người lao động”.
Một trong những rào cản lớn hiện nay là các thủ tục pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo. Nhiều dự án dù có giá trị cao vẫn bị kẹt trong vòng xoáy tranh chấp, khiến ngân hàng không thể phát mãi, còn doanh nghiệp không thể tái cấu trúc.
Nếu chỉ dừng lại ở việc chuyển Nghị quyết thành luật mà thiếu các điều kiện thực thi thực chất, hiệu quả mang lại sẽ rất hạn chế. Gốc rễ của bài toán nợ xấu hiện nay nằm ở hai điểm nghẽn then chốt: ách tắc pháp lý và rủi ro thị trường.
Thực tế, có tới 70% khó khăn của thị trường bất động sản bắt nguồn từ những vướng mắc pháp lý kéo dài. Hàng loạt dự án bị treo, không thể chuyển nhượng, không phát mãi được tài sản, khiến dòng tiền tắc nghẽn, đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy mất khả năng thanh toán và gia tăng nợ xấu. Trong khi đó, các cú sốc từ bên ngoài như đại dịch Covid-19 hay xung đột địa chính trị khiến tổng cầu suy giảm mạnh. Dòng tiền là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và ngân hàng, không tạo điều kiện cho tài sản luân chuyển thì nền kinh tế không thể phát triển.
Một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận là việc ban hành Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giãn thời gian đáo hạn tối đa đến 2 năm. Đây là giải pháp tạm thời cho thị trường vốn đang nghẹt thở. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, “cú hoãn binh” này chỉ mang tính ngắn hạn.
"Bắt đầu từ tháng 8/2025, áp lực sẽ gia tăng dồn dập khi khoảng 200.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn. Nếu không có gói giải pháp hỗ trợ kịp thời và mạnh tay hơn, nguy cơ vỡ nợ lan rộng là điều khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thanh khoản âm", ông Châu lo ngại.
![]() |
Gốc rễ của vấn đề nợ xấu hiện nay nằm ở hai nút thắt lớn: ách tắc pháp lý và rủi ro thị trường |
Về mặt pháp lý, việc luật hóa Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu là cần thiết nhằm tạo nền tảng pháp lý bền vững cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, luật hóa không thể dừng ở việc “sao chép” nội dung của Nghị quyết. Phải có các điều kiện thực thi rõ ràng và minh bạch hơn.
Cụ thể, cần bảo đảm quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng để rút ngắn thời gian xử lý nợ. Cùng với đó, phải có cơ chế bảo vệ người thế chấp, nhằm tránh trường hợp người dân bị đẩy vào thế yếu trong các giao dịch tín dụng phức tạp.
Ông Châu dẫn chứng: Những vụ án lớn như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh đã phơi bày một lỗ hổng pháp lý nghiêm trọng: thiếu quy định rõ ràng về “người hưởng lợi cuối cùng”. Việc này khiến các cá nhân đứng sau thao túng dòng vốn nhưng không dễ truy vết, dẫn đến tình trạng "zombie tài chính". Đây là cảnh báo rõ ràng về sự cần thiết bổ sung khái niệm “người hưởng lợi cuối cùng” vào Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, như một công cụ pháp lý để ngăn ngừa gian lận và nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tài chính, ngân hàng.
Về phân loại nợ xấu, ông Châu kiến nghị phải điều chỉnh lại hệ thống phân nhóm: Việc mặc định nợ nhóm 4 nghiêm trọng hơn nhóm 3, hay nhẹ hơn nhóm 5 là cách tiếp cận máy móc, thiếu cơ sở thực tiễn và có thể dẫn đến sai lệch trong đánh giá rủi ro tín dụng.
"Trên thực tế, nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn mới thực sự là "cục máu đông" trong hệ thống tài chính, cần được ưu tiên xử lý mạnh tay. Ngược lại, các khoản nợ nhóm 1, 2 và thậm chí nhóm 3, nếu được hỗ trợ kịp thời, hoàn toàn có khả năng phục hồi và đóng góp trở lại cho nền kinh tế", vị chuyên gia lý giải.
"Chúng tôi đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành cấp Trung ương để rà soát, phân loại các dự án bất động sản đang bị ngưng trệ, từ đó có chính sách xử lý phù hợp từng nhóm nợ xấu, không nên dùng một cơ chế cứng nhắc cho tất cả", ông Châu kiến nghị và cho rằng, cần phân biệt rõ đâu là dự án có thể cứu, có thể tái cấp vốn để hoàn thiện và trả nợ; đâu là dự án nên thanh lý, dứt khoát xử lý để tránh lan rộng nợ xấu
Ngoài ra, cần luật hóa rõ ràng quyền và nghĩa vụ các bên trong giao dịch tài sản bảo đảm, cho phép chuyển nhượng tài sản trên sàn giao dịch nhưng vẫn đảm bảo nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật theo hướng công bằng, minh bạch, chấm dứt tình trạng “sân sau”, “sở hữu chéo” trong hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp.
Khi nợ xấu được xử lý, dòng tiền mới sẽ quay lại thị trường, doanh nghiệp sống lại, ngân hàng lành mạnh và Nhà nước thu được thuế. Đây là bài toán cần lời giải tổng thể, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ không thể chỉ trông chờ doanh nghiệp tự bơi trong khủng hoảng.