Giữa tháng 6 tới, một đoàn thanh tra đến từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ trực tiếp tới Việt Nam để đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng nông sản xuất khẩu như sầu riêng – sản phẩm đang chịu tần suất kiểm tra ngày càng cao tại cửa khẩu EU.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đoàn chuyên gia EU sẽ làm việc tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và TP.HCM. Mục tiêu là kiểm tra thực tế vùng trồng, cơ sở sơ chế - đóng gói và đánh giá mức độ tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn của EU. Không chỉ khảo sát thực địa, đoàn thanh tra cũng sẽ trao đổi với các đơn vị kiểm định chất lượng tại Việt Nam như Công ty CP Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ và Công ty TNHH SGS Việt Nam – những đơn vị đóng vai trò then chốt trong việc xác nhận chất lượng sản phẩm nông sản trước khi xuất khẩu.
![]() |
Sầu riêng đang chịu tần suất kiểm tra ngày càng cao tại cửa khẩu EU. Ảnh minh hoạ |
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đang bị kiểm tra tại cửa khẩu EU với tần suất cao, cụ thể: ớt chuông và đậu bắp 50%, thanh long 20% và sầu riêng 20%. Riêng với sầu riêng, năm qua EU đã hai lần ra thông báo tăng kiểm tra do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng.
Cụ thể, từ ngày 17/1/2024, EU yêu cầu kiểm tra 10% số lô sầu riêng Việt Nam, nhưng đến tháng 12/2024, tần suất kiểm tra đã tăng gấp đôi lên 20%, áp dụng từ ngày 8/1 năm nay. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường EU đang ngày càng khắt khe và đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – chia sẻ rằng thị trường EU mỗi năm nhập khẩu khoảng 350 triệu USD rau quả từ Việt Nam, tương đương với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất nhỏ so với quy mô 500 tỷ Euro/năm của toàn bộ thị trường rau quả EU. “Chỉ một lô hàng vi phạm cũng có thể khiến cả ngành hàng bị ảnh hưởng”, ông Nguyên cảnh báo. Do đó, ông khuyến cáo doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định, đặc biệt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và truy xuất nguồn gốc.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có văn bản yêu cầu các cơ sở nằm trong diện thanh tra phải chuẩn bị kỹ hồ sơ, bao gồm điều kiện an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc… Mỗi đơn vị cũng phải xây dựng báo cáo tóm tắt về tình hình sản xuất để làm việc với đoàn thanh tra.
Cuộc kiểm tra của EU lần này là “bài test” không thể xem nhẹ với ngành nông sản Việt Nam. Nếu vượt qua được, đây sẽ là tấm vé thông hành vàng để tăng trưởng xuất khẩu vào một trong những thị trường khó tính và tiềm năng nhất thế giới. Còn nếu không, thì "sầu riêng" có thể sẽ tiếp tục… sầu dài.