Tổng cầu khởi sắc nhưng vẫn mong manh

Dù tổng cầu trong quý I/2025 đã ghi nhận sự khởi sắc, nhưng giới chuyên gia vẫn bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tác động lan tỏa của chính sách thuế mới từ Mỹ. Việc Mỹ áp thuế cao hơn đối với một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép, nhôm, hàng điện tử… không chỉ làm giảm kim ngạch xuất khẩu, mà còn tạo áp lực gián tiếp lên sản xuất trong nước và thị trường lao động. Khi xuất khẩu sụt giảm, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập người lao động và sức mua chung của toàn nền kinh tế.

Thúc đẩy tổng cầu tiếp tục là ưu tiên lớn trong nhiều khuyến nghị chính sách gần đây, nhất là khi động lực từ đầu tư tư nhân vẫn chưa thể bứt phá. Sự dè dặt của khu vực doanh nghiệp chủ yếu bắt nguồn từ áp lực chi phí vốn ngày càng lớn, cùng với những bất ổn của môi trường kinh doanh toàn cầu. Trong bối cảnh đó, dù tổng cầu đã có tín hiệu phục hồi, đà tăng trưởng vẫn mong manh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chuyên gia: Dư địa tài khóa còn lớn, cần mạnh tay để kích cầu

Chuyên gia cho rằng, không gian tài khóa hiện nay vẫn nhiều dư địa để thúc đẩy nội lực nền kinh tế.

Nêu quan điểm, GS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, yếu tố cầu của nền kinh tế khó khăn nên hấp thụ vốn của các khu vực trong nền kinh tế suy giảm.

Bất chấp những nỗ lực củng cố, tỷ lệ an toàn vốn của nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang “neo” ở mức thấp, cho thấy bộ đệm tài chính còn khá mỏng so với các chuẩn mực quốc tế và khu vực. Nguy cơ càng trở nên đáng lo ngại khi chất lượng tài sản ngân hàng có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lại có xu hướng tăng mạnh ở nhiều ngân hàng. Nếu không có các giải pháp phòng vệ kịp thời, sự lan truyền từ khu vực sản xuất – đầu tư sang tài chính – tiền tệ có thể tạo ra vòng xoáy tiêu cực, làm suy yếu khả năng phục hồi tổng thể của nền kinh tế.

"Một trong những nút thắt đáng lo ngại nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa kỳ hạn huy động và cho vay. Tiền gửi ngắn hạn hiện chiếm tới hơn 80% tổng nguồn vốn huy động, trong khi tỷ lệ cho vay trung và dài hạn lại đang duy trì ở mức gần 50%", ông Thành lưu ý.

Năm 2025, với các biến động bên ngoài mạnh mẽ hơn năm trước, khả năng tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế càng trở nên quan trọng. Để hồi phục và thúc đẩy tăng trưởng, các động lực như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cần được đẩy mạnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các chính sách phải có tầm nhìn xa, sáng tạo, "cởi trói" cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao thu nhập, năng suất lao động và cải thiện đời sống người dân, đồng thời nâng cao vị thế quốc gia.

Nhìn lại những kết quả tích lũy từ việc giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công trong những năm qua đã tạo ra dư địa quan trọng cho việc mở rộng tài khóa hiện nay. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng, ước đạt 2.037.500 tỷ đồng. Con số này vượt khoảng 336,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán và tăng 16,2% so với năm 2023.

Về thu ngân sách từ xuất nhập khẩu, ước đạt khoảng 426.000, bằng 113,3% dự toán và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa trong năm 2024 ước tính xuất siêu 24,77 tỷ USD. Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 1.732.000 tỷ đồng. Con số này tương đương 116,5% dự toán và tăng 13,7% so với thực hiện năm 2023. Ước tính, tổng thu ngân sách nội địa do cơ quan thuế quản lý cả năm 2024 đạt 1.732.000 tỷ đồng. Con số này tương đương 116,5% dự toán và tăng 13,7% so với thực hiện năm 2023.

Điều đó cho thấy, nguồn lực tài khóa hiện nay đang ở trạng thái khá dồi dào, không chỉ đảm bảo khả năng thanh toán nợ đến hạn mà còn giúp Nhà nước chi trả đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

"Nợ công đã được kiểm soát tốt và duy trì ở mức an toàn, tạo nền tảng vững chắc để Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa mở rộng. Đây là điều kiện then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hướng đến hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2025", bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, nhận định.

'Đòn bẩy kép' thúc đẩy tăng trưởng 2025

Để đạt tăng trưởng GDP 8% năm nay, tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức. Đáng chú ý, chính sách thuế quan mới từ Mỹ dù không tác động trực tiếp, nhưng lại ảnh hưởng gián tiếp tới giá cả và tâm lý thị trường. Đây có thể trở thành cơ hội để đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và định vị lại thương hiệu hàng Việt.

Để tiếp tục thúc đẩy tổng cầu, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất các giải pháp tài khóa như đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 6 tháng cuối năm 2025 và sang năm 2026; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong cả năm 2025. Tổng quy mô 2 gói giảm thuế này lên đến gần 70 nghìn tỷ đồng. Đây là một bước đi hợp lý trong nỗ lực kích cầu tiêu dùng, nhưng để chính sách tài khóa phát huy hiệu quả tối đa, cần có sự linh hoạt cao hơn về thời điểm và liều lượng.

Cụ thể, những hỗ trợ như giảm, giãn, hoãn thuế, phí không thể áp dụng dàn trải mà cần được “may đo” theo mức độ tổn thương của từng ngành, nhất là các lĩnh vực chịu tác động nặng nề từ biến động thương mại toàn cầu. Việc này không chỉ tạo ra một môi trường kinh doanh hài hòa và cân bằng hơn, mà còn giúp doanh nghiệp có thêm “đệm tài chính” để trụ vững và phục hồi trong bối cảnh nhiều thách thức đan xen.

Chuyên gia: Dư địa tài khóa còn lớn, cần mạnh tay để kích cầu
Giảm thuế và đầu tư công được nhìn nhận là bệ đỡ thúc tổng cầu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Song, để phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự định hướng rõ ràng và chiến lược hơn trong cách thức triển khai.

Đặc biệt, chính sách tài khóa cần đi đầu, không chỉ ở việc hỗ trợ doanh nghiệp mà còn ở khía cạnh đầu tư công. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, cứ mỗi đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn tư nhân chảy vào nền kinh tế, cho thấy khả năng dẫn dắt và khơi thông nguồn lực rất đáng kể.

Chưa dừng lại ở đó, chỉ cần giải ngân tăng 10% so với năm trước, GDP có thể tăng thêm 0,6 điểm phần trăm – một mức đóng góp không nhỏ trong bối cảnh phục hồi còn mong manh. Hiệu suất sử dụng vốn đầu tư cũng trở thành một biến số quan trọng: nếu tăng chỉ một điểm phần trăm, GDP có thể được thúc đẩy thêm 0,1–0,12 điểm. Những con số ấy lý giải vì sao Chính phủ xác định đầu tư công là “động cơ tăng trưởng” cần được tăng tốc để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.

Song, để phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự định hướng rõ ràng và chiến lược hơn trong cách thức triển khai. Nguồn lực không nên dàn trải vào các hoạt động mua sắm hành chính thường lệ, mà phải được “chảy” đúng vào những lĩnh vực có khả năng lan tỏa cao và tạo sức bật cho thị trường trong nước. Đặc biệt, các dự án lớn về hạ tầng như đường sắt, giao thông đô thị, công nghiệp… nên gắn chặt với cơ hội hợp tác cùng khu vực tư nhân, nhằm đặt hàng sản phẩm, mở rộng đầu ra, tạo việc làm và khơi thông động lực sản xuất trong nước.

Đáng chú ý, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã đưa ra một quan điểm sắc bén và đầy tính chiến lược về vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế. Ông không chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của việc phân bổ lại đầu tư giữa Trung ương và địa phương mà còn chỉ ra rằng, để đạt được sự "hấp thụ" tối ưu và phát triển bền vững, chính sách tài khóa của Chính phủ phải được điều chỉnh linh hoạt và có định hướng rõ ràng.

"Việc tái cấu trúc không chỉ đơn giản là một cuộc phân phối lại các nguồn lực tài chính, mà là một chiến lược toàn diện, bao gồm cả tái cấu trúc tổng cầu và tổng cung của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi có sự can thiệp mạnh mẽ và khôn ngoan của Chính phủ, không chỉ trong việc điều tiết ngân sách mà còn trong việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Chính khu vực tư nhân sẽ là động lực chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động và sáng tạo, giúp nền kinh tế linh hoạt hơn trong việc thích ứng với các biến động", ông Cương nhận định.