Thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Về bức tranh chung thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Tùng Anh, Quản lý cấp cao Nghiên cứu tín dụng và dịch vụ tài chính bền vững của của FiinRatings khẳng định thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý I/2025 vẫn khá trầm lắng, đặc biệt ở phân khúc phi tài chính.
Theo số liệu của chúng tôi, 3 tháng đầu năm ghi nhận tổng trị giá phát hành chỉ đạt 17,75 nghìn tỷ đồng với 11 đợt phát hành, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tháng 2 không ghi nhận phát hành mới ở cả thị trường riêng lẻ và công chúng, một phần do Tết Nguyên đán.
![]() |
Thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất. |
Đáng chú ý, hầu hết các lô trái phiếu doanh nghiệp mới được phát hành đến từ các tổ chức tín dụng nhằm bổ sung vốn cấp 2, chiếm tới 95,5% tổng trị giá phát hành. Chúng tôi nhận thấy sự vắng bóng của nhóm doanh nghiệp phi tài chính, đặc biệt là bất động sản - vốn từng là động lực chính của thị trường.
Về khía cạnh "hạ cánh mềm", có thể thấy thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề tuy có gia tăng với mức tăng thêm trong quý 1 bằng 53,3% giá trị cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã chạm mức thấp nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm vào tháng 2.2023 và chỉ tập trung ở một vài doanh nghiệp có tài chính suy kiệt trong nhiều năm gần đây.
Về phần chung thị trường, chúng tôi đánh giá khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp đã có sự cải thiện, đồng thời cũng thể hiện qua trị giá mua lại trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính trong quý 1/2025 tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những dấu hiệu này cho thấy thị trường đã bắt đầu phục hồi, mặc dù chưa thể nói là hoàn toàn "hạ cánh mềm" khi vẫn còn nhiều thách thức phía trước.
Về niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp, ông Tùng Anh cho rằng niềm tin đang dần được cải thiện so với giai đoạn 2022-2023. Điều này được phản ánh qua thanh khoản thị trường thứ cấp khá ổn định trong 2 tháng đầu năm 2025. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu (cả trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ) đạt 167,2 nghìn tỉ đồng, tăng 19% so với cao điểm tháng 12/2024.
Tuy nhiên, niềm tin này chưa đồng đều giữa các nhóm trái phiếu. Nhà đầu tư vẫn tập trung vào những trái phiếu doanh nghiệp có chất lượng cao, đặc biệt là trái phiếu ngân hàng và trái phiếu của các doanh nghiệp lớn, uy tín.
Cụ thể, trong cơ cấu giao dịch thị trường thứ cấp, bất động sản dẫn đầu với 65,1 nghìn tỉ đồng (chiếm 38,9%) và ngân hàng đạt 60,2 nghìn tỉ đồng (chiếm 36%), chiếm tỷ trọng áp đảo với 74,9% tổng giá trị giao dịch.
Một điểm đáng chú ý là YTM (lợi suất đáo hạn) của các trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng có xu hướng cao hơn (dao động từ 7 - 11%) so với trái phiếu ngân hàng (4 - 7%), phản ánh đánh giá rủi ro khác nhau của nhà đầu tư. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn, phân biệt rõ rệt giữa các nhóm trái phiếu dựa trên chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành.
Áp lực đáo hạn trái phiếu tăng cao trong các quý tới
Về áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, ông Tùng Anh cho rằng áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng cao trong các quý tới, đặc biệt tập trung vào quý III/2025. Theo phân tích của chúng tôi, riêng trong quý 2/2025, ước tính khoảng 40,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ đáo hạn. Trong đó, 16,5 nghìn tỉ (40,7% tổng giá trị) thuộc về nhóm bất động sản, 11,9 nghìn tỷ (29,2%) thuộc các lĩnh vực khác, và 8,2 nghìn tỷ (20,2%) thuộc về nhóm tổ chức tín dụng.
"Áp lực này là thách thức lớn cho các doanh nghiệp bất động sản khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi. Khối lượng giao dịch bất động sản đã giảm khoảng 25 - 30% so với đỉnh, mặc dù giá nhà tăng cao đã bù đắp phần nào cho mức sụt giảm này. Các chủ đầu tư đang phải điều chỉnh chiến lược, tập trung vào phân khúc nhà ở có giá phải chăng và cung cấp giải pháp tài chính cho người mua", ông Tùng Anh nói.
![]() |
Áp lực đáo hạn trái phiếu tăng cao trong các quý tới. |
Đáng chú ý, theo ông Tùng Anh, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề đã tăng nhẹ lên 20,2% đến cuối tháng 2/2025, và vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản (chiếm 63,4% giá trị). Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã có loạt lô trái phiếu doanh nghiệp giãn hoãn thời gian thanh toán trước đó và vẫn còn nghĩa vụ nợ đáo hạn lớn trong 12 tháng tới, báo hiệu tình trạng chậm trả/giãn hoãn có thể tiếp tục trong năm 2025.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát huy vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả, ông Tùng Anh cho rằng cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía:
Thứ nhất, về phía cơ quan quản lý: Cần có lộ trình hợp lý khi áp dụng các quy định mới để vừa đảm bảo an toàn thị trường vừa không cản trở nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần sớm ban hành và triển khai khung phân loại xanh để thúc đẩy phát triển trái phiếu doanh nghiệp xanh, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp phát hành: Nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin, chủ động trong việc báo cáo định kỳ và bất thường. Cải thiện năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và hiệu quả sử dụng vốn để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý.
Thứ ba, phát triển hệ sinh thái thị trường: Tăng cường vai trò của các định chế tài chính trung gian như bảo lãnh thanh toán. Đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường như trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững để đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng.
Thứ tư, về phía nhà đầu tư: Nâng cao hiểu biết về TPDN, chú trọng phân tích cơ bản về tổ chức phát hành thay vì chỉ tập trung vào lợi suất. Nhà đầu tư cá nhân nên cân nhắc tiếp cận TPDN thông qua các quỹ đầu tư hoặc các công cụ đầu tư tập thể để giảm thiểu rủi ro.
Cuối cùng, trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn ở mức thấp, tạo điều kiện cho thị trường TPDN là một hoạt động quan trọng để khai thác hiệu quả nguồn vốn trong nền kinh tế. Cần có cân bằng hợp lý giữa mục tiêu tăng trưởng và đảm bảo sự phát triển bền vững, an toàn của thị trường vốn.