Theo Báo Đồng Nai, nhiều người Hoa ở khu phố Xuân Thủy (phường Bàu Sen, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) từng lắc đầu, thậm chí mỉa mai khi thấy ông Chí A Ửng dùng 5 cây vàng để mua giống sầu riêng về trồng trên vùng đất đá cằn cỗi.

"Vàng bỏ ra rồi cũng thành đá" – lời gièm pha ấy nay đã thành quá khứ, khi khu vườn 2,6ha của ông đều đặn mang lại thu nhập hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.

Bài toán làm “mềm đá”

Sinh ra trong một gia đình người Hoa nghèo khó, tuổi thơ của ông Chí A Ửng gắn với những ngày theo mẹ cuốc đất, nhặt đá trồng đậu, bắp, dưa... tại khu phố Xuân Thủy – nơi đất ít đá nhiều. Dù thiếu thốn, mẹ ông vẫn quyết tâm cho con út đến trường học chữ.

Khi trưởng thành, sau nhiều năm gắn bó với cây cà phê và hồ tiêu, ông Chí A Ửng nhận ra những giới hạn về thu nhập. Từ sự am hiểu thổ nhưỡng vùng đất, ông quyết định thử sức với cây trồng mới: sầu riêng.

Nông dân Đồng Nai từng bị 'gièm pha' vì bán vàng trồng ‘cây tỷ đô’, nay 'phất lên như diều gặp gió', lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm
Ông Chí A Ửng - nông dân Đồng Nai từng liều lĩnh bán 5 cây vàng để mua giống "cây tỷ đô". Khi ấy, hàng xóm có người gièm pha. Ảnh: Tổng hợp

Năm 1989, ông đánh liều bán 5 cây vàng tích cóp được để mua 250 cây giống Thái Lan, Ri 6, đưa về trồng xen trên rẫy cà phê – tiêu rộng 2,6ha. Ý tưởng táo bạo này chỉ được thực hiện khi ông thuyết phục được mẹ và vợ cùng đồng thuận.

Để đặt được mỗi gốc cây, ông phải tự tay bẩy từng viên đá bám chặt đất, khoan thêm giếng tìm nguồn nước – dù chỉ 1/3 mũi khoan có nước mạnh. Trong mắt hàng xóm, ông đang chơi một canh bạc rủi ro.

Sầu riêng “bật mùi” trên đá

Không có kinh nghiệm, ông Chí A Ửng chấp nhận "học phí" đắt đỏ: sau 6 năm chỉ còn sống sót 100 cây. Nhưng cũng chính từ số cây ấy, vào năm 1995, những trái sầu riêng đầu tiên chín rụng, tỏa hương khắp cả khu phố, báo hiệu mùa bội thu đầu tiên.

Con đường vào rẫy còn quanh co, gập ghềnh, nhưng thương lái khắp nơi vẫn lặn lội tìm đến tận nơi thu mua. Mỗi ngày, ông lượm trái bán được hơn 1 triệu đồng – vừa đủ bù lại chi phí đầu tư giống và khoan giếng trước đó.

Những mùa sau đó, thấy hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ dân người Hoa trong khu phố bắt đầu học theo ông A Ửng, nhất là khi giá cà phê – hồ tiêu rớt mạnh.

Ngay sau đó, ông quyết định phá bỏ toàn bộ tiêu, trồng dặm lại các khoảng trống bằng giống sầu riêng chất lượng cao. Từ năm 1996 đến nay, thu nhập từ vườn sầu riêng của gia đình ông dao động từ 800 triệu đến hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.

Đánh thức vùng đất đá, lan tỏa cách làm giàu

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Chí A Ửng còn được chính quyền địa phương ghi nhận là người tích cực vận động đồng bào dân tộc Hoa hiến đất, đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ giảm nghèo và khuyến học.

Nông dân Đồng Nai từng bị 'gièm pha' vì bán vàng trồng ‘cây tỷ đô’, nay 'phất lên như diều gặp gió', lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm
Cây sầu riêng được mệnh danh là "cây tỷ đô" của nông sản Việt, xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Báo Đồng Nai

Nhờ có ông làm người tiên phong, từ năm 1997-2000, diện tích trồng sầu riêng trong khu phố Xuân Thủy đã nhanh chóng mở rộng. Đến nay, khu vực này có gần 300ha sầu riêng, đa phần do đồng bào dân tộc Hoa canh tác. Hộ nghèo gần như không còn, đời sống người dân vươn lên rõ rệt.

Đặc biệt, các hộ trồng sầu riêng tại đây đều áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không dùng hóa chất, không ép cây, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và giữ vững uy tín cho vùng trồng.

“Sầu riêng Xuân Thủy nổi tiếng nhờ vị ngon, hương thơm tự nhiên, không tồn dư hóa chất. Đó là thành quả của cả cộng đồng nông dân người Hoa nơi đây, khởi đầu từ một người dám đi ngược số đông”, nông dân Chắng Khênh Quán – tổ 1, khu phố Xuân Thủy – tự hào chia sẻ.