Ngày 20/5, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho răng quý III năm nay sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất của lạm phát.

Cụ thể, ông Thắng cho biết, Việt Nam có sự lỡ nhịp nhất định với kinh tế thế giới. Khi kinh tế thế giới phục hồi tương đối nhanh, thì tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam lại giảm đáng kể. Ngoài ra, ảnh hưởng của COVID-19 vừa rồi đã ít nhiều ảnh hưởng tới đường tăng tưởng tiềm năng dài hạn của Việt Nam.

“Từ giữa năm đến quý III sẽ là thời điểm căng thẳng của lạm phát, cả lạm phát chung của thế giới và tính lan tỏa của nó đến kinh tế Việt Nam”, ông Thắng nhận định.

du-bao-lam-phat.jpg
lam-phat-kinh-te.jpg

Theo VEPR, có 3 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm nay.
Cụ thể, kịch bản cơ sở và có khả năng xảy ra nhiều hơn, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 5,7%; kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,2%; kịch bản tiêu cực, mức tăng trưởng có thể chỉ tăng 5,2%. Cầu tiêu dùng sẽ phục hồi tương đối tốt, xuất nhập khẩu có thể đạt mức tăng trưởng 13-14%.

lam-phat.jpg
3 kịch bản cho dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Nguồn: VEPR.

Trong ngắn hạn, VEPR đề xuất một số chính sách, trong đó đáng chú ý là đề xuất Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng.

Các chuyên gia nhấn mạnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tràn tích cực. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đúng đối tượng và thiết thực hơn.

Hiện nay các hỗ trợ thường thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí và đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây ra lãng phí ngân sách. Do vậy, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng, hướng vào các doanh nghiệp có năng lực và khả năng lan toả cao. Cần tập trung vào hai khó khăn lớn với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Ngoài ra, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý đầu năm 2022 do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ, đặc biệt trong giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.