Chiều 11/3, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày trên thị trường mở, thu hút 16 thành viên thị trường tham gia, với doanh số gần 15 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh thanh khoản VND dồi dào và tỷ giá gặp áp lực trong những tuần gần đây.

Nhận định về động thái của SBV, theo chuyên gia chứng khoán Huỳnh Minh Tuấn, hiện tại việc hút tiền về có thể phần nào đó gây thắt chặt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng/thị trường chứng khoán, nếu hành động hút diễn ra liên tục trong thời gian sắp tới. Mức độ thắt chặt sẽ tùy theo tốc độ hút của SBV trong ngắn hạn, hay rộng ra là xu hướng đầu cơ tiền số (crypto) và vàng ngắn hạn.

Cú sốc áp lực tỷ giá lần này là khá đặc biệt đối với Việt Nam, vì Việt Nam đang bao gồm rất nhiều yếu tố làm suy yếu tỷ giá như chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất rẻ kỷ lục, cung VND dư thừa, kinh tế thực yếu trong khi tài chính đầu cơ được ưu tiên, tỷ lệ tham gia crypto cao.

Ngân hàng Nhà nước đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày trên thị trường mở, thu hút 16 thành viên thị trường tham gia, với doanh số gần 15 nghìn tỷ đồng.

Hành động của SBV cho thấy nhà điều hành quan ngại về điều này, và cũng đến thời điểm SBV bắt buộc phải ra dấu hiệu tạm dừng dòng tiền đầu cơ bằng can thiệp, dù hiệu quả chưa rõ ràng. Mục đích của SBV là bảo vệ kỳ vọng tỷ giá trung hạn ở ngưỡng 24.800 - 25.000 (giống USD/JPY ngưỡng 150-152), với biên động dao động an toàn.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng động thái hút ròng của NHNN chủ yếu do thanh khoản của hệ thống khá dồi dào.

Trong giai đoạn đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng rất chậm và thậm chí còn âm, đồng thời huy động vốn cũng tăng trưởng chậm nhưng cao hơn tín dụng. Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia cho biết tín dụng đến hết tháng 2 giảm khoảng 1% còn huy động vốn ước tính giảm khoảng 0,7%.

Điều này dẫn đến thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Trong phiên 11/3, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về ở mức 1,17%/năm, giảm mạnh so với mức đỉnh đạt được trong ngày 21/2 (4,14%) và tiến gần về mặt bằng thấp được duy trì trong thời gian dài trong giai đoạn dư thừa thanh khoản trước đó (khoảng 0,14-0,15%/năm).

Thanh khoản khá dồi dào nên Ngân hàng Nhà nước cần hút một phần thanh khoản về. Tuy nhiên, đây chưa phải nguyên nhân quan trọng nhất.

Sức ép từ tỷ giá

Động thái hút tiền về qua kênh đấu thầu tín phiếu nhằm mục tiêu quan trọng là qua đó đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn, sát hơn so với lãi suất USD nhằm giảm áp lực tỷ giá. Theo cuộc họp mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa giảm lãi suất ít nhất là cho đến hết nửa đầu năm nay.

Việc Fed duy trì ở lãi suất cao mà lãi suất của Việt Nam quá thấp sẽ gây áp lực tỷ giá. Bằng chứng là tỷ giá trong thời gian vừa qua đã có những biến động, từ đầu năm đến giờ tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,5%.

Điều này xuất phát từ ba nguyên nhân.

Thứ nhất, đồng USD tăng giá do Fed chưa giảm lãi suất. Đồng thời, năm vừa rồi kinh tế Mỹ số liệu công bố phục hồi khá tốt nên USD tăng giá khiến cho các đồng tiền khác mất giá tương ứng. Đây là lý do quan trọng nhất.

Thị trường chứng khoán sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin Ngân hàng Nhà nước hút tín phiếu.

Thứ hai là yếu tố thời vụ. Đầu năm là giai đoạn các doanh nghiệp nước ngoài thường chuyển lợi nhuận về nước gây áp lực lên tỷ giá.

Và thứ ba là hoạt động xuất nhập khẩu khiến nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại. Nhập khẩu hai tháng đầu năm nay tăng khoảng 17-18% so với cùng kỳ đương nhiên cũng sẽ kéo theo nhu cầu về ngoại tệ. Dù quan hệ cung cầu vẫn tương đối tốt nhưng nhu cầu tăng lên khiến cho tỷ giá bị tác động.

Một lý do nữa là giá vàng tăng cao có thể phát sinh hoạt động nhập khẩu vàng nhẫn qua kênh không chính thống khiến tỷ giá căng thẳng cục bộ.

Vì vậy, động thái hút ròng của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu nhằm xoa dịu tỷ giá. Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã từng sử dụng công cụ này vào tháng 9 và bây giờ bắt đầu sử dụng lại. Tuỳ vào thanh khoản ở các ngân hàng mà SBV sẽ quyết định khối lượng hút ròng.

"Tuy nhiên, theo tôi đánh giá việc này sẽ không sử dụng quá thường xuyên. Ngân hàng Nhà nước sẽ không can thiệp quá mạnh bởi chi phí của nó chính là lãi suất", chuyên gia nói và cho biết sẽ khó xảy ra kịch bản Ngân hàng Nhà nước hút ròng liên tục nhiều như kỳ tháng 9 năm ngoái.

Với thị trường chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực cũng khẳng định rằng việc NHNN hút ròng không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán bởi đây chỉ là một nghiệp vụ bình thường trong điều hành và nhằm bình ổn tỷ giá chứ không tác động nhiều đến dòng tiền.

Có chăng chỉ có sự dịch chuyển từ kênh đầu tư sang kênh tiết kiệm nếu lãi suất huy động nhích lên, TS. Lực nhìn nhận.