Tại Tọa đàm "Tìm động lực cho thị trường chứng khoán những tháng cuối năm" do Báo Dân trí tổ chức cách đây ít ngay, liên quan đến câu chuyện minh bạch thông tin trên thị trường, đưa ra các khuyến nghị, đề nghị tới Chính phủ, cơ quan quản lý để tháo gỡ nút thắt các vấn đề kinh tế và tạo động lực cho thị trường chứng khoán phát triển, ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư - CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital chia sẻ, với câu chuyện về cơ quan quản lý Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán, thậm chí về phía doanh nghiệp niêm yết tôi cho rằng cần phải có cách nào đó nâng cao chất lượng về quản trị đối với các doanh nghiệp trên sàn lên để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư.

Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp niêm yết và ban lãnh đạo các doanh nghiệp quyết định tất cả. Tuy nhiên, hành động của họ cần phải đặt lợi ích của nhà đầu tư lên trên hết.

Thử làm một khảo sát trên thị trường với 50 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên thị trường, có bao nhiêu doanh nghiệp trong số 50 doanh nghiệp này đang khiến nhà đầu tư lo lắng về chất lượng quản trị doanh nghiệp? Tôi nghĩ con số cũng không phải nhỏ".

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức - Công ty Chứng khoán SSI, trên quan điểm về tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, có thể thấy số doanh nghiệp được khối ngoại tham gia sở hữu hiện không nhiều, có thể chỉ 30 - 40 doanh nghiệp dù thị trường chứng khoán có cả trăm công ty.

Đầu tư được ở đây nên hiểu là doanh nghiệp quản trị tốt, minh bạch, công bố thông tin tốt, quy mô doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông tốt,… Tuy nhiên, số đáp ứng hầu hết những tiêu chí này gần như không nhiều và nếu có thì cũng hết room. Đây là điều khá khó chịu đối với nhóm nhà đầu tư tiềm năng này.

Trong khi đó, những doanh nghiệp nhỏ mang tính chất đầu cơ cao, nhiều hoạt động lũng loạn, tăng vốn ảo, tạo nhiều kẽ hở lách luật trên thị trường hiện không hề ít.

Nên nếu có thể bằng cách nào đó có một nhóm công ty có chất lượng quản trị tốt hơn, chẳng hạn thay vì con số 30 - 40 công ty, cần nhân rộng lên 60 - 70 công ty. Mặt khác, những chuẩn mực trong quản trị cũng cần được nâng cao nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư đang tham gia thị trường chứng khoán.

Theo ông Phan Dũng Khánh - Chuyên gia chứng khoán độc lập, với tư cách là một nhà đầu tư có 23 năm đầu tư trên thị trường chứng khoá, tôi thấy trong suốt quá trình đầu tư, giai đoạn đầu những quy định, luật chưa nhiều, còn phải chạy theo xu hướng của thị trường. Khoảng những năm gần đây, bắt đầu linh hoạt hơn, mang lại những hiệu quả tốt hơn.

Chuyên gia: Rất nhiều doanh nghiệp Top 50 vốn hóa đang khiến nhà đầu tư lo lắng
Ông Phan Dũng Khánh (bìa trái), ông Nguyễn Anh Đức (bìa phải) và ông Đinh Đức Minh (thứ 2 từ trái sang)

Hoặc một số chính sách vĩ mô hơn, ví dụ như về tỷ giá. Tỷ giá của VND với các đồng ngoại tệ khác, đặt biệt là USD trong những năm gần đây là rất ổn định. Các doanh nghiệp hay than phiền về lãi suất nhưng tỷ giá thì hiếm có đơn vị lên tiếng. Thậm chí, năm 2022, nếu chúng ta giữ VND, nhà đầu tư có thể thu lợi gấp đôi bởi lãi suất cao nhất trong nhiều năm. Chưa kể, VND nếu so sánh với bảng Anh, EUR, JPY thì nhà đầu tư có thêm một đoạn lợi nhuận. Tỷ giá so với USD, năm ngoái và những năm gần đây vẫn giữ ổn định.

Tuy nhiên, có một số điều tôi nghĩ có thể sẽ giải quyết được rất nhanh, thậm chí nhanh hơn những vấn đề trên bởi vấn đề trên mang tính vĩ mô. Tuy nhiên, những vấn đề mang tính chất kỹ thuật đôi khi chúng ta hành động chưa được nhanh. Khoảng 1,2 năm trước có một giai đoạn khoảng gần cuối giờ mọi người đặt lệnh không được do kẹt lệnh do hệ thống của chúng ta đi không kịp với sự phát triển của thị trường.

Hoặc hệ thống KRX dự kiến triển khai cuối năm nay cũng là một kế hoạch nhiều năm nhưng đến gần đây mới thực hiện được. Một điểm nữa, giống như giai đoạn năm 2003 - 2005, thị trường vẫn là T+4, sau đó khoảng 10 năm sau mới thành T+3 và cách đây hơn 1 năm giảm còn T+2,5. Về mặt kỹ thuật, tôi thấy chúng ta có thể làm nhanh hơn cho nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn, hệ thống trơn tru.