Tiếp tục câu chuyện xoay quanh vụ án Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp, phát nhân có liên quan, ông Quyết cùng hai em gái ruột (Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga) và 5 cá nhân khác vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố về tội Thao túng chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng vụ án, 13 người bị cáo buộc Thao túng thị trường chứng khoán, 22 người bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 7 người bị cáo buộc tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Trong số 50 bị can, rất nhiều người có liên hệ anh em, họ hàng với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Đáng lưu ý, ông Trịnh Văn Quyết, Trịnh Văn Đại - cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc FLC Faros (ROS) Đỗ Như Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC và 20 bị can khác trong giai đoạn điều tra bổ sung đã phủ nhận cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chuyện 'Tôi đi lên từ hai bàn tay trắng'...

Được biết, liên quan đến hành vi tăng vốn khống và niêm yết hàng trăm triệu cổ phiếu FLC Faros trên sàn chứng khoán, từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022 (thời điểm bị khởi tố, tạm giam), Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391,15 triệu cổ phiếu được hình thành từ vốn góp khống nắm giữ tại ROS thu được hơn 4.818 tỷ đồng trong đó chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Trong quá khứ, giai đoạn cuối năm 2016, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết khi đó từng vượt mặt ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup để trở thành người giàu nhất Việt Nam.

Thời điểm đó, khối tài sản của ông chủ FLC vào khoảng hơn 34.000 tỷ đồng đến từ 289,6 triệu cổ phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần FLC Faros) và 114,2 triệu cổ phiếu FLC (tương đương 17,9% vốn). Chênh lệch giữa 2 người giàu nhất Việt Nam khi đó chưa tới 2.000 tỷ đồng.

Chuyện 'Tôi đi lên từ hai bàn tay trắng'...
Từ ngưỡng thị giá 3 chữ số giai đoạn cuối năm 2017, cổ phiếu ROS rơi thủng mệnh giá ngay đầu năm 2020

Chất xúc tác tới tài sản của ông Quyết không phải đến từ mã FLC mà đến từ cổ phiếu ROS. Từ khi lên sàn vào nửa sau năm 2016, chỉ trong 6 tháng, thị giá ROS đã tăng tới 2.072% (21,7 lần). Cổ phiếu ROS cũng tạo ra kỷ lục trên sàn chứng khoán khi sở hữu chuỗi tăng giá 35 phiên liên tiếp.

Thời điểm đạt đỉnh, FLC Faros thậm chí xếp thứ 6 trong nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE - vượt mặt các ông lớn thời điểm hiện tại như Vietinbank; BIDV hay Tập đoàn Masan.

Chiếu theo đó, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết theo tỷ lệ sở hữu vốn tại FLC Faros lên tới 50.962 tỷ đồng - chiếm 98,5% tổng tài sản trên sàn chứng khoán của đại gia này.

Đến trước thời điểm bị khởi tố, ông Quyết từng để lại nhiều phát ngôn đáng chú ý trong giới tài chính trong đó có phát ngôn về khối tài sản của mình: "Tài sản của tôi có bao nhiêu không quan trọng bằng việc đó là những tài sản chính đáng" hay "Tôi đi lên gần như từ hai bàn tay trắng nhưng đó là kết quả của cả một quá trình lăn lộn với thương trường, một quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tính toán làm ăn trong kinh doanh mà có".