Nhà hoạt động cách mạng và quân sự lỗi lạc

Ông Trần Đăng Ninh (tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng) sinh năm 1910, tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội).

Người được ví như 'Bao Công của VN': Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét 'là người của công lý, của lẽ phải'
Chân dung ông Trần Đăng Ninh (1910-1955). Ảnh: Thanh tra Chính phủ
Ông là nhà hoạt động cách mạng và quân sự, Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (tháng 10/1948), Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Cung cấp (sau là Tổng cục Hậu cần, Quân đội Nhân dân Việt Nam) giai đoạn 1950-1955 và là Phó Tổng Thanh tra đầu tiên của Ban Thanh tra Chính phủ (năm 1949).

Ngày 11/11/1940, ông tham gia Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 7 cùng các ông Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phan Đăng Lưu... Tháng 5/1941, ông là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 8/1945, ông được cử vào Tổng bộ Việt Minh, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc và Đại hội Quốc dân Tân Trào. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông được phân công cùng ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân giải phóng, tiến đánh tỉnh lỵ Thái Nguyên, sau đó bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông được cử làm Đặc phái viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào công tác ở Trung Bộ và Nam Bộ. Giữa năm 1946, ông được cử lên công tác tại Phú Thọ. Tại đây, ông bị Quốc dân Đảng bắt giam và định thủ tiêu nhưng thoát được.

Ngày 20/11/1946, quân Pháp ngang nhiên nổ súng đánh chiếm Hải Phòng. Ông cùng với ông Nguyễn Lương Bằng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ bí mật ở lại xây dựng căn cứ địa Việt Bắc. Đồng thời, bố trí địa điểm làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Hà Đông (nay là TP. Hà Nội).

Năm 1947, ông được cử giữ chức Trưởng ban Kiểm tra Ban chấp hành Trung ương Đảng và năm 1949 kiêm chức Phó Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ. Ông đã xây dựng nền móng tổ chức cho 2 cơ quan, đặc biệt chú trọng bồi đưỡng về mặt quan điểm tư tưởng, phương pháp kiểm tra và thanh tra cho cán bộ. Đồng thời trực tiếp chỉ đạo các đoàn kiểm tra, thanh tra phát hiện được những vấn đề cấp thiết, đóng góp cho sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ.

Đầu năm 1950, ông tham gia chuyến đi bí mật cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao và yêu cầu Trung Quốc chi viện cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Giữa năm 1950, ông được cử làm Đặc phái viên Chính phủ phụ trách sửa chữa cầu đường và huy động nhân lực, vật lực phục vụ kháng chiến.

Người được ví như 'Bao Công của VN': Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét 'là người của công lý, của lẽ phải'
Ông Trần Đăng Ninh (người ngồi thứ 2 từ trái qua) cùng các đồng chí trong Đảng ủy Chiến dịch Biên giới. Ảnh tư liệu/Báo CAND
Năm 1950, ông được điều sang công tác trong quân đội, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (sau là Tổng cục Hậu cần), Ủy viên Tổng quân ủy (1950-1955), kiêm Trưởng ban Cung cấp chiến dịch Biên giới (1950). Trong Đại hội Đảng lần thứ II, ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng.

Đặc biệt, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, ông trở thành người đầu tiên tổ chức xây dựng ngành hậu cần quân đội. Nhờ tổ chức tốt công tác này mới bảo đảm mọi thắng lợi của các chiến dịch, đặc biệt là Chiến dịch Biên giới và Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

"Là người của công lý, của nhân lý, của lẽ phải"

Đã có thời, sau Cách mạng Tháng Tám, ông Trần Đăng Ninh được Bác Hồ và Trung ương giao cho nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an. Đáng nói, dù không học Luật một ngày nào, cũng không phải một vị quan tòa, nhưng ông lại được mệnh danh là "Bao Công của Việt Nam", nhờ những lần “xử án” rất tài tình, đúng đắn, có tình có lý, không bao giờ để lọt người có tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Và vụ án “Gián điệp H122” chính là một trong những vụ án nổi tiếng nhất mà “Bao Công” Trần Đăng Ninh đã xử lý. Tại Chiến khu Việt Bắc năm 1948, có cuộc truy tìm một tên gián điệp mang bí số H122 được cho là người của Phòng Nhì, Pháp, trà trộn vào đội ngũ của ta. Trong khoảng thời gian đó, hàng trăm cán bộ, Đảng viên ở các đơn vị, cơ quan liên đới bị bắt. Tiếng kêu oan cũng rộ lên dai dẳng không dứt. Lòng quân, lòng dân xôn xao. Trước tình hình đó, Thường vụ Trung ương và Hồ Chủ tịch đã cử ông Trần Đăng Ninh trực tiếp kiểm tra, xem xét lại vụ án này…

Sau thời gian dài điều tra nghiêm túc và cẩn trọng, cuối cùng, “Bao Công” Trần Đăng Ninh giúp minh oan cho mấy trăm cán bộ và quần chúng vô tội, giúp tránh được một vụ án suýt nữa đã trở thành một trong những vụ oan sai lớn nhất trong lịch sử quân đội.

Ông Trần Đăng Ninh còn là một người “thiết diện, vô tư”, kiên quyết đưa kẻ phạm tội ra trước vành móng ngựa dù ở cấp nào, trong vụ án nổi tiếng thời chống Pháp mà sau này đã được viết thành tiểu thuyết, kịch sân khấu. Đó là vụ Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Quân nhu tham ô và dung túng cho cấp dưới làm sai trái. Vụ việc được phát hiện, tòa án quân sự xử với mức án cao nhất và chính Hồ Chủ tịch sau đó đã bác đơn xin được miễn tội chết của kẻ tham nhũng, biến chất...

Người được ví như 'Bao Công của VN': Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét 'là người của công lý, của lẽ phải'
Bác Hồ và ông Trần Đăng Ninh. Ảnh tư liệu/Báo QĐND
Tiếc thay, ông Trần Đăng Ninh sống không thọ. Ông bị bệnh hiểm nghèo và mất ngày 6/10/1955, ở tuổi 45, tuổi làm việc có hiệu quả nhất của đời người. Bác Hồ đến thăm lúc ông trên giường bệnh và Người đã khóc trong lễ khâm liệm ông.

Cuối năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu trong cuộc hội thảo 55 năm Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn, 85 năm Ngày sinh đồng chí Trần Đăng Ninh: “Anh Trần Đăng Ninh là người con của Đảng, của Cách mạng… Là người của công lý, của nhân lý, của lẽ phải. Phải chăng anh là một mẫu người mà Bác Hồ muốn xây dựng…”

Những đóng góp to lớn của Trần Đăng Ninh với với sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn ghi nhớ. Ông được tặng thưởng các Huân chương Độc lập hạng Nhất, Quân công hạng Nhì, Chiến thắng hạng Nhất, truy tặng Huân chương Sao Vàng năm 2003.

Tên của ông được đặt cho một số con đường, phố phường ở Hà Nội, Nam Định và Điện Biên. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ ông, tháng 7/1956, Bưu điện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát hành bộ tem gồm 4 mẫu in hình chân dung của ông.

Tham khảo:

- Trần Đăng Ninh, Phó tổng Thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ đầu tiên -Vị “Bao công” của Việt Nam - Cổng TTĐT Thanh tra Chính phủ

- Đồng chí Trần Đăng Ninh - Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, tấm gương sáng của Ngành Kiểm tra Đảng - Trang TTĐT Ủy ban Kiểm tra Trung ương

- Trần Đăng Ninh, một tấm gương sáng ngời phẩm chất cách mạng - Báo Nhân Dân

- Vị “Bao Công” Trần Đăng Ninh và vụ án gián điệp có một không hai trong lực sử Quân đội - Báo CAND

- "Bao Công" Trần Đăng Ninh và vụ án gián điệp H122 - Báo QĐND