Bối cảnh thị trường hiện tại không đơn giản. Lãi suất đầu ra thấp, cạnh tranh CASA căng thẳng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đang chậm lại, trong khi nợ xấu của nhiều ngân hàng bắt đầu ngoi lên mặt nước. Nhưng giữa cơn sóng ngầm đó, VietinBank chọn đi trước một bước – tăng vốn bằng chính lợi nhuận giữ lại, giữ lại toàn bộ phần lãi suốt ba năm tới để phục vụ bổ sung vốn, thay vì chia cổ tức bằng tiền như trước.

Chiến lược này, tuy có thể khiến nhà đầu tư ngắn hạn phân vân, lại mở ra cánh cửa dài hạn để ngân hàng củng cố định vị trong cuộc đua dẫn đầu ngành tài chính.

Tăng vốn – Phép cộng dài hạn

Tính đến quý I/2025, VietinBank đã chính thức hoàn tất nâng vốn điều lệ từ 53.699 tỷ đồng lên 77.670 tỷ đồng, tăng 44,64% từ nguồn lợi nhuận giữ lại của hai năm 2021–2022. Sau tăng vốn, hệ số an toàn vốn cấp 1 (CAR) tăng lên 9,89%, chỉ còn cách một bước chân so với chuẩn 10% của Basel II. Không dừng lại ở đó, theo CSI, ngân hàng định hướng tiếp tục giữ lại toàn bộ lợi nhuận trong ba năm tới để tái đầu tư vào vốn tự có – một chiến lược quyết liệt nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng phục vụ mục tiêu GDP hai con số.

Việc tăng vốn mạnh mẽ ngay đầu năm không chỉ là phản ứng chính sách, mà còn là “nền tảng bắt buộc” để VietinBank có thể giữ nhịp tăng trưởng tín dụng hiện tại. Quý I/2025, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 2,02 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và 4,1% so với đầu năm. CSI ghi nhận: “Thông thường tăng trưởng tín dụng chậm ở đầu năm, nhưng VietinBank đã đi ngược xu hướng và tạo tiền đề tích cực cho cả năm”.

Có gì sau game tăng vốn gần 45% của Vietinbank?
Tăng trưởng tín dụng VCB, BID, CTG giai đoạn 2010–2024: VietinBank bứt tốc trở lại. Nguồn: CTG, CSI Research.

Không chỉ tăng vốn để mở rộng hạn mức, VietinBank còn đang tái cơ cấu danh mục cho vay theo hướng bán lẻ hóa. Tỷ trọng cho vay cá nhân tăng từ 16,8% năm 2013 lên 39,3% năm 2024 – mức cao vượt trội trong khối ngân hàng quốc doanh. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ còn 5,8%, thấp hơn đáng kể so với Vietcombank (10,2%). Cơ cấu này giúp ngân hàng giảm phụ thuộc vào nhóm khách hàng dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thương mại quốc tế, đồng thời tăng khả năng kiểm soát rủi ro tín dụng.

Có gì sau game tăng vốn gần 45% của Vietinbank?
VietinBank (CTG): Cho vay cá nhân vươn lên mạnh mẽ, doanh nghiệp nhà nước thoái trào. Nguồn: CTG, CSI Research.

Tăng vốn không làm loãng ROE

Dữ liệu từ CSI cho thấy, VietinBank không những không bị “loãng” hiệu suất sau khi tăng vốn, mà còn đang giữ ROE ở mức cao nhất trong khối ngân hàng quốc doanh. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đã tăng từ 67.300 tỷ đồng năm 2018 lên 153.980 tỷ đồng quý I/2025, tương ứng mức tăng trưởng 17,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, ROE đạt 18,3% – cao hơn cả giai đoạn trước tăng vốn. CSI đánh giá: “Hiệu quả hoạt động của CTG thể hiện rõ qua việc vừa mở rộng quy mô vốn, vừa duy trì khả năng sinh lời ổn định trong biên 17%–18%”.

Có gì sau game tăng vốn gần 45% của Vietinbank?
VietinBank (CTG): Vốn chủ sở hữu tăng vọt, ROE giữ đỉnh 18%. Nguồn: CTG, CSI Research.

Dự kiến trong năm 2025, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của VietinBank sẽ đạt 91.418 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần đóng góp 70.526 tỷ đồng, tăng 13%, chiếm 75% tổng nguồn thu. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) duy trì quanh 30%, thấp hơn mức trung bình của toàn ngành, cho thấy năng lực quản trị chi phí vượt trội ngay cả trong điều kiện vốn tăng mạnh.

ROA quý I/2025 đạt 1,12%, trong khi tài sản sinh lời đạt 2,41 triệu tỷ đồng, tương ứng 97,65% tổng tài sản. Cấu trúc tài sản này cho phép VietinBank vừa mở rộng tín dụng vừa giữ hiệu quả sinh lời ở mức cao, đặc biệt khi chi phí vốn vẫn đang là điểm nghẽn chung của toàn hệ thống.

“Gồng” nợ xấu, giữ NIM – Cân bằng mong manh nhưng có tính toán

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VietinBank quý I/2025 tăng lên 1,55% từ mức 1,22% cuối năm 2024, trong đó riêng nợ nhóm 5 đã tăng gần gấp đôi lên 16.000 tỷ đồng. Các nhóm nợ 3 và 4 cũng tăng lần lượt lên 6.400 tỷ đồng và 5.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo CSI, Ban lãnh đạo CTG vẫn giữ nguyên định hướng trích lập dự phòng 20.000–25.000 tỷ đồng như năm 2024, đồng thời tự tin rằng “tỷ lệ nợ xấu đã đạt đỉnh” nếu không có thêm biến động bất lợi từ kinh tế vĩ mô.

Có gì sau game tăng vốn gần 45% của Vietinbank?
Nợ xấu và dự phòng tín dụng của VietinBank (CTG): Căng chặt tỷ lệ bao phủ giữa áp lực gia tăng. Nguồn: CTG, CSI Research.

Việc tăng mạnh dự phòng ngay trong quý I/2025 với mức 8.110 tỷ đồng – chiếm hơn 32% tổng chi phí hoạt động – cho thấy ngân hàng đang đi trước một bước trong xử lý rủi ro, thay vì bị động đối phó trong các quý cuối năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện vẫn giữ được trong biên an toàn 150%–200%, dù có điều chỉnh nhẹ trong quý gần nhất.

Biên lãi ròng (NIM) quý I/2025 giảm còn 2,76%, thấp hơn cùng kỳ do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn chi phí vốn. Tuy nhiên, với chiến lược linh hoạt trong huy động và ưu tiên khách hàng cá nhân – nơi biên lãi cao hơn – VietinBank vẫn có cơ hội giữ NIM quanh ngưỡng 2,77% cho cả năm. CSI nhấn mạnh: “Chìa khóa lúc này là sự dịch chuyển danh mục tín dụng và khai thác triệt để lợi thế bán lẻ của CTG”.

Có gì sau game tăng vốn gần 45% của Vietinbank?
NIM VietinBank (CTG) 2016–2025: Dao động quanh ngưỡng 2,8% giữa áp lực chi phí vốn. Nguồn: CTG, CSI Research.

Một điểm cộng lớn khác là hoạt động xử lý nợ ngoại bảng. Đến cuối năm 2024, VietinBank đã xử lý được 164.400 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 92.400 tỷ là nợ gốc. Theo ước tính của CSI, chỉ riêng trong năm 2025, nếu ngân hàng thu hồi được 10.000 tỷ đồng, khoản này sẽ đóng góp gần 10% tổng thu nhập hoạt động – một con số đáng kể trong bối cảnh NIM chịu áp lực.

Định giá vẫn rẻ – Cổ phiếu ngân hàng quốc doanh “rút chốt an toàn”

Theo CSI, với mức EPS quý I/2025 đạt 4.806 đồng và BVPS đạt 28.479 đồng, cổ phiếu CTG hiện đang giao dịch ở mức P/E 7,79 lần và P/B 1,32 lần – thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn ngành. Giá mục tiêu cho 12 tháng tới được CSI đặt ở mức 50.190 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 34,02% so với giá hiện tại 37.450 đồng.

Ngoài ra, VietinBank dự kiến chi cổ tức tiền mặt 11,74%, tương ứng suất cổ tức 3,13% – một tỷ lệ sinh lời hấp dẫn trong môi trường lãi suất thấp hiện tại. Với định hướng giữ lại toàn bộ lợi nhuận ba năm tới để tăng vốn, mức cổ tức duy trì này cũng phản ánh sự cân đối giữa quyền lợi cổ đông và yêu cầu tăng trưởng nội lực.