Sau một quý đầu năm tăng trưởng tích cực, ngành ngân hàng Việt Nam bước vào quý II trong trạng thái vừa kỳ vọng vừa cảnh giác. Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết trong quý I/2025 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo Quý II/2025: Ngành ngân hàng có đủ sức ‘vượt đỉnh’ lợi nhuận?
Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng chậm lại trong Quý I/2025: Đà phục hồi gặp lực cản. Nguồn: FiinproX, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS Research).

Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản lợi nhuận bất thường từ thương vụ bán 100% vốn tại Công ty Tài chính Bưu điện của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SSB), mức tăng thực chất chỉ còn 10,9%. Kết quả này phản ánh động lực tăng trưởng đến từ ba yếu tố: tín dụng doanh nghiệp tăng tốc, thu nhập ngoài lãi khởi sắc và chi phí hoạt động được kiểm soát. Tuy vậy, triển vọng quý II lại bị phủ bóng bởi áp lực co hẹp biên lãi ròng (NIM), chất lượng tài sản suy giảm và rủi ro chi phí dự phòng tăng cao.

Dự báo Quý II/2025: Ngành ngân hàng có đủ sức ‘vượt đỉnh’ lợi nhuận?
Quý I/2025: 21/27 ngân hàng giữ đà tăng trưởng lợi nhuận – Sự phân hóa ngày càng rõ rệt. Nguồn: FiinproX, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS Research).

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16% cho cả năm – cao nhất trong 7 năm trở lại đây – nhưng để lợi nhuận tiếp tục “vượt đỉnh”, các ngân hàng sẽ cần nhiều hơn là chỉ dư địa tăng tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng chưa đủ để kéo lợi nhuận đi xa

Tổng mức giải ngân tín dụng toàn hệ thống trong quý I/2025 tăng 3,93% so với đầu năm, tương đương mức tăng trưởng 17,9% so với cùng kỳ 2024. Đây là con số đáng kể nếu so với mức tăng chỉ 1,42% trong quý I năm ngoái. Dẫn đầu tăng trưởng là nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ và vừa như NVB và KLB cùng đạt 10,6%, EIB tăng 9,2% và MSB tăng 8,9%. Động lực tăng chủ yếu đến từ mảng cho vay doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên có hệ số rủi ro thấp.

Dự báo Quý II/2025: Ngành ngân hàng có đủ sức ‘vượt đỉnh’ lợi nhuận?
Tín dụng Quý I/2025: Ngân hàng tăng tốc mạnh mẽ nhưng phân hóa rõ rệt. Nguồn: FiinproX, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS Research).

Tuy nhiên, song hành với tăng trưởng tín dụng là sự suy giảm rõ rệt về hiệu quả sinh lời. Biên lợi nhuận thuần (NIM) toàn ngành giảm 45 điểm cơ bản so với cùng kỳ, chỉ còn 3,1%. Nguyên nhân chính là do lợi suất tài sản giảm mạnh hơn tốc độ điều chỉnh chi phí vốn. Trong khi đó, cấu trúc nguồn vốn rẻ (CASA) tiếp tục suy yếu: tỷ lệ CASA bình quân giảm từ 22,2% xuống còn 20,7%. Các ngân hàng từng có lợi thế CASA cao như MBB (giảm từ 39,1% xuống 35,7%), TCB (giảm từ 37,4% xuống 35,1%) và VCB (giảm từ 35,8% xuống 34,3%) đều chứng kiến sụt giảm mạnh.

Dự báo Quý II/2025: Ngành ngân hàng có đủ sức ‘vượt đỉnh’ lợi nhuận?
Biên lãi ròng (NIM) ngân hàng co hẹp trong Quý I/2025: Áp lực lợi nhuận ngày càng lớn. Nguồn: FiinproX, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS Research).

Trong điều kiện mặt bằng lãi suất cho vay đã tiệm cận vùng thấp, còn lãi suất huy động từ tháng 5/2024 đến nay vẫn giữ ở mức cao, khả năng phục hồi NIM trong quý II/2025 là rất hạn chế. Sự giằng co giữa chi phí vốn và biên lợi nhuận khiến các ngân hàng phải đối mặt với bài toán khó: mở rộng tín dụng nhưng không làm suy giảm thêm tỷ suất sinh lời.

Áp lực nợ xấu và chi phí dự phòng chưa hạ nhiệt

Một trong những rủi ro lớn nhất mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong quý II là chất lượng tài sản đang xấu đi nhanh hơn dự kiến. Theo KIS, tỷ lệ nợ xấu nhóm 3–5 của toàn ngành đã tăng từ 1,9% trong quý IV/2024 lên 2,1% trong quý I/2025. Tính cả nhóm 2–5, tỷ lệ này đã tăng từ 3,5% lên 3,8%. Một số ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng như TCB (từ 1,1% lên 1,2%), BAB (từ 1,2% lên 1,3%), trong khi VAB là điểm sáng khi tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 1,3% xuống 0,6%.

Dự báo Quý II/2025: Ngành ngân hàng có đủ sức ‘vượt đỉnh’ lợi nhuận?
Nợ xấu ngân hàng tăng trở lại trong Quý I/2025: Áp lực lớn trên bảng cân đối tài sản. Nguồn: FiinproX, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS Research).

Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) toàn ngành đã giảm từ 91% xuống chỉ còn 80%. Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều quý gần đây. Ngay cả những ngân hàng có truyền thống duy trì LLCR cao như VCB (giảm từ 223% xuống 216%), CTG (giảm từ 175% xuống 137%) và TCB (giảm từ 114% xuống 112%) cũng không tránh khỏi xu hướng “rút mỏng” lớp đệm dự phòng. Điều này khiến khả năng chống đỡ với các cú sốc tín dụng trong quý II trở nên mong manh hơn.

KIS cảnh báo rằng chi phí dự phòng có thể sẽ tăng mạnh trở lại trong quý II, khi các ngân hàng buộc phải bổ sung trích lập cho các khoản vay đang chuyển nhóm. Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi, dòng tiền doanh nghiệp còn yếu và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý dứt điểm, dự phòng sẽ tiếp tục là lực cản lớn với tăng trưởng lợi nhuận.

Định giá rẻ là cơ hội

P/B toàn ngành ngân hàng hiện ở mức 1,37 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm là 1,73 lần. Mặt bằng định giá này phản ánh rõ sự thận trọng của thị trường trước triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn. Theo KIS, “định giá hấp dẫn đang mở ra cơ hội đầu tư tích lũy, nhưng triển vọng lợi nhuận của ngành trong Quý II/2025 chỉ duy trì ở mức vừa phải”.

Mặc dù cổ phiếu ngân hàng đang trở nên “rẻ hơn” tương đối, nhưng để trở thành lựa chọn hấp dẫn thực sự, các ngân hàng phải cho thấy khả năng cải thiện chất lượng tài sản, kiểm soát chi phí vốn và mở rộng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, đầu tư và ngoại hối. Ngoài ra, việc tăng trưởng tín dụng không kéo theo rủi ro hệ thống sẽ là điều kiện then chốt để định giá hiện tại trở thành “giá hời” thay vì “bẫy giá trị”.