![]() |
Ba cổ phiếu ngân hàng còn nhiều dư địa nhất để khối ngoại mua thêm. Nguồn: HOSE, ACBS tính toán và tổng hợp. |
HDBank: Dư địa lớn, tiềm năng đáng chú ý
HDBank hiện đang có tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 16,9%, thấp hơn nhiều so với trần 30% hiện hành. Với việc mở room lên 49%, HDBank có thể mở rộng thêm tới 32,2% sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài – mức cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại. Theo ACBS, HDBank đang là một trong những ngân hàng có sự chuẩn bị tích cực để tận dụng cơ hội từ chính sách này, đặc biệt nhờ nhu cầu tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài vẫn đang hiện hữu.
Song song với đó, nhu cầu bổ sung vốn để phục vụ các kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong biên độ 20–30% mỗi năm là một yếu tố thúc đẩy HDBank chủ động khai thác dư địa room ngoại. Hiện tại, hệ số an toàn vốn (CAR) của HDBank đạt 12,6%, cao hơn trung vị ngành 11,7%, cho thấy nền tảng vốn vững chắc nhưng vẫn còn dư địa cải thiện. Việc gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ giúp HDBank củng cố nguồn vốn cấp 2, cấp 3, tối ưu hóa chi phí huy động và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Một điểm nhấn quan trọng là HDBank hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để các quỹ đầu tư quốc tế tiếp cận cơ hội sở hữu dài hạn trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và tài chính tiêu dùng – những mảng hoạt động cốt lõi mà HDBank đang tập trung phát triển.
MBBank và VPBank: Tiềm năng hiện hữu, lộ trình dài hạn
MBBank đang có tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 22,3%, mở ra dư địa tăng thêm 26,7% khi room nâng lên 49%. Với nền tảng tài chính vững chắc và các kế hoạch tăng vốn cấp 2 như phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu, MBBank tiếp tục củng cố năng lực tài chính để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh trong tương lai. Tuy nhiên, định hướng về đối tác chiến lược nước ngoài hiện vẫn trong quá trình xem xét, do ngân hàng đã có cổ đông chiến lược trong nước.
Tương tự, VPBank có tỷ lệ sở hữu nước ngoài 24,3%, dư địa mở thêm 24,7% sau khi room nâng lên 49%. Dù vậy, việc VPBank đã có sự hợp tác sâu rộng với đối tác chiến lược SMBC tại FE Credit là yếu tố ảnh hưởng đến lộ trình tăng sở hữu ngoại trong ngắn hạn. VPBank vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các phương án tối ưu để tận dụng dư địa room một cách hiệu quả, gắn với nhu cầu vốn và chiến lược phát triển dài hạn.
Nhìn chung, cả MBBank và VPBank đều sở hữu tiềm năng để mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, song tiến độ và mức độ tận dụng sẽ phụ thuộc vào lộ trình phát triển cũng như nhu cầu vốn cụ thể của từng ngân hàng trong từng giai đoạn.
Nới room ngoại: Động lực hỗ trợ thị trường và nâng tầm giá trị cổ phiếu
Theo dữ liệu từ ACBS, từ tháng 2/2024 đến tháng 5/2025, thị trường đã ghi nhận xu hướng bán ròng cổ phiếu ngân hàng từ khối nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng. Việc nới room lên 49% không chỉ tháo gỡ các rào cản pháp lý mà còn mở ra cơ hội để dòng vốn ngoại quay trở lại, hỗ trợ thanh khoản và định giá lại cổ phiếu ngành ngân hàng.
![]() |
Áp lực bán ròng chưa dứt: Nhà đầu tư nước ngoài rút ròng hơn 30.000 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng từ tháng 2/2024. Nguồn: Fiinpro-X, ACBS tổng hợp. |
Với lợi thế về dư địa room ngoại lớn nhất (32,2%), HDBank được đánh giá là một trong những ứng viên sáng giá để thu hút dòng vốn quốc tế trong giai đoạn tới. Việc đón nhận các cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ giúp HDBank cải thiện cấu trúc vốn, tối ưu chi phí tài chính, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ và tài chính tiêu dùng – những lĩnh vực ngân hàng đang có thế mạnh.
Trong khi đó, MBBank và VPBank vẫn duy trì tiềm năng mở room, song cần thêm thời gian để xác lập các bước đi chiến lược phù hợp với tình hình sở hữu hiện tại và nhu cầu vốn thực tế.
Tóm lại, Nghị định 69/2025/NĐ-CP mở ra những cơ hội đáng kể cho nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tùy vào chiến lược và định hướng phát triển, mỗi ngân hàng sẽ có mức độ hưởng lợi khác nhau. HDBank, với các yếu tố thuận lợi về dư địa room và nhu cầu vốn, đang được kỳ vọng sẽ tận dụng tốt nhất cơ hội này, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.