Bù trừ thuế: Tiện lợi hay tạo kẽ hở?
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 12/5, Quốc hội đã chứng kiến một trong những tranh luận gay gắt nhất liên quan đến đề xuất cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ kinh doanh bất động sản với lỗ từ các hoạt động khác.
Dù tinh thần chung là “mở” để tháo gỡ khó khăn, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp đa ngành, nhiều đại biểu không giấu lo ngại về nguy cơ tạo lỗ có chủ đích – một chiêu né thuế hợp pháp nhưng gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
![]() |
Nếu quy định cho phép bù trừ được thông qua, gần 400 doanh nghiệp hiện tại có thể bù trừ 6.750 tỷ đồng lỗ từ các mảng khác với lãi bất động sản. |
Theo báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo, nếu quy định cho phép bù trừ được thông qua, gần 400 doanh nghiệp hiện tại có thể bù trừ 6.750 tỷ đồng lỗ từ các mảng khác với lãi bất động sản. Với thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20%, con số thất thu ngân sách có thể lên tới 1.350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở con số, mà ở nguy cơ hợp pháp hóa chiến lược tạo lỗ có chủ đích.
Ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cảnh báo: Cần có tiêu chí chặt chẽ, không để doanh nghiệp có chủ đích tạo lỗ để trục lợi, làm giảm nghĩa vụ thuế. Cần xử lý nghiêm những trường hợp bù trừ sai quy định.
"Cảnh báo này không phải là không có cơ sở. Năm 2023, Tổng cục Thuế đã phát hiện hơn 3.200 doanh nghiệp kê khai lỗ nhưng vẫn đầu tư, mở rộng quy mô, trong đó nhiều trường hợp được xác định là bóp méo chi phí, tăng khống khấu hao, chia nhỏ doanh thu... nhằm hợp thức hóa việc "lỗ", ông Hải dẫn chứng.
Hiện tại, theo quy định cũ, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản không được bù trừ với lỗ từ hoạt động kinh doanh khác, nhằm bảo đảm mức thuế tương xứng với lợi nhuận lớn của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, quy định này đang tạo ra sự bất công: Doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, bất động sản lời mà mảng khác lỗ, không cho khấu trừ thì không hợp lý, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp tổng hợp, đa ngành ngày càng phổ biến, việc tách biệt thuế suất theo ngành làm tăng gánh nặng quản lý, gây khó khăn trong thực tiễn.
![]() |
Ông Mãi nhấn mạnh, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, lỗ sẽ không còn là hậu quả kinh doanh mà trở thành công cụ kế toán để né thuế tinh vi. |
Tạo thuận lợi nhưng không buông lỏng kiểm soát
Theo đó, dù ủng hộ đề xuất sửa đổi nhưng không ít đại biểu đặt yêu cầu rất cao với Chính phủ trong khâu thực hiện. Ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng đoàn đại biểu TP Cần Thơ nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp hiện nay cố tình báo lỗ để trốn thuế, nhưng việc phát hiện và xử lý lại chưa kịp thời. Thời gian chuyển lỗ tới 5 năm là quá dài, cần điều chỉnh để tránh bị lợi dụng.”
Đáng chú ý, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2024, trong số 10 tập đoàn bất động sản lớn được thanh tra, có 6 doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục 3 năm liền, song vẫn chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, làm dấy lên nghi vấn “lỗ kỹ thuật”.
Về phía cơ quan soạn thảo, dù thừa nhận khả năng bị lợi dụng chính sách, nhưng cũng cho rằng tác động giảm thu ngân sách sẽ không lớn hơn việc chuyển lỗ sang kỳ sau, vốn vẫn đang được phép theo quy định hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi, nhận định: Ủng hộ tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động thực tế, đồng thời chịu trách nhiệm trong việc triển khai để tránh bị lợi dụng.
"Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, thì việc mở rộng khả năng bù trừ thuế có thể được xem là một liều thuốc kích thích tạm thời cho doanh nghiệp bất động sản, ngành vốn đang đối mặt với thanh khoản suy giảm và thị trường trầm lắng. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, lỗ sẽ không còn là hậu quả kinh doanh mà trở thành một công cụ kế toán để né thuế tinh vi", ông Mãi nhấn mạnh.