Tập đoàn FPT (FPT): Khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu 118.500 đồng/cp

Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) mới đây đã đưa ra báo cáo định giá cổ phiếu FPT lần đầu bằng phương pháp SOTP, với khuyến nghị khả quan và mức giá mục tiêu trong 12 tháng tới là 118.500 đồng/cp, cao hơn 12,8% so với giá đóng cửa ngày 8/4/2025.

Cổ phiếu đáng chú ý 14/4: HHV, MWG, STB
SHS dự phóng doanh thu các lĩnh vực của FPT trong năm 2025

SHS đánh giá mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) cho thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của FPT trong năm nay, dù có thể chịu tác động gián tiếp từ chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ. Tuy nhiên, rủi ro này được cho là không đáng kể, do chính sách chủ yếu nhắm vào hàng hóa, trong khi các hợp đồng dịch vụ CNTT của FPT tại Mỹ thường được thực hiện thông qua công ty con bản địa như Intellinet hay Intertec.

Trong nước, FPT được kỳ vọng tiếp tục phát huy lợi thế là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ, nhất là khi chính phủ đang ưu tiên phát triển khoa học – công nghệ như một trụ cột tăng trưởng với nhiều chính sách hỗ trợ.

Ngoài yếu tố kinh doanh, tình hình tài chính của FPT cũng được đánh giá rất lành mạnh, với lượng tiền mặt lớn, nợ vay thấp và chính sách chia cổ tức đều đặn qua các năm.

SHS dự báo doanh thu FPT năm 2025 có thể đạt khoảng 72.748 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 10.639 tỷ đồng (+12,8% YoY), tương ứng EPS đạt 5.241 đồng/cp. Trong bối cảnh giá cổ phiếu FPT đã điều chỉnh về vùng hấp dẫn do ảnh hưởng chung của thị trường, SHS cho rằng đây là cơ hội tích lũy tốt cho nhà đầu tư dài hạn.

Thế giới Di động (MWG): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 69.000 đồng/cp

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025, Thế giới Di động lên kế hoạch lợi nhuận ròng ở mức 4.850 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước. Dù vậy, Chứng khoán SSI đã điều chỉnh giảm nhẹ dự báo lợi nhuận xuống 5.000 tỷ đồng (tăng 34%), để phản ánh những rủi ro liên quan đến tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh Mỹ áp thuế quan đối ứng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và thu nhập hộ gia đình Việt Nam.

Cổ phiếu đáng chú ý 14/4: FPT, MWG, STB
SSI dự phóng kết quả kinh doanh của MWG

Bên cạnh những thách thức, SSI vẫn ghi nhận loạt yếu tố tích cực giúp MWG duy trì đà tăng trưởng. Trước hết, chu kỳ thay mới thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại di động, đang quay trở lại trong khi áp lực cạnh tranh từ các nền tảng thương mại điện tử suy giảm. Việc các đối thủ phải tăng phí dịch vụ gần đây giúp MWG cải thiện biên lợi nhuận bán lẻ.

Ngoài ra, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh (BHX), chuỗi sản phẩm điện máy tại Indonesia, chuỗi nhà thuốc và mẹ & bé đều ghi nhận tín hiệu cải thiện đáng kể.

Hiện cổ phiếu MWG giao dịch ở mức P/E dự phóng năm 2025 là 14,6 lần, thấp hơn mức trung bình lịch sử là 17 lần. SSI đánh giá mức định giá hiện tại là hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.

Trong dài hạn, BHX được dự báo là động lực tăng trưởng chính từ năm 2026. Chuỗi sản phẩm công nghệ & điện máy sẽ trở lại mức tăng trưởng ổn định sau cú hồi mạnh trong năm 2024. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng hàng năm giai đoạn 2026–2028 được kỳ vọng đạt từ 15% đến 20%.

Sacombank (STB): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 46.136 đồng/cp

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị mua cổ phiếu Sacombank (STB) với giá mục tiêu 46.136 đồng/cp, sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá: P/B và Residual Income.

VCBS đánh giá triển vọng tăng trưởng của STB trong năm 2025 khá tích cực, với tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 14%, chủ yếu nhờ các phân khúc bán lẻ phục vụ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng được kỳ vọng giữ vững ở mức 3,7%.

Cổ phiếu đáng chú ý 14/4: FPT, MWG, STB
VCBS dự phóng kết quả kinh doanh của STB

Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi của Sacombank đang hồi phục rõ rệt. Các khoản thu từ hoạt động thanh toán, phát hành thẻ và bảo hiểm đang tăng đều, trong khi thu nhập từ xử lý nợ xấu cũng được kỳ vọng cải thiện nhờ thị trường bất động sản khởi sắc.

Áp lực trích lập dự phòng giảm bớt trong năm 2025, do STB đã gần hoàn tất trích lập cho trái phiếu VAMC, đồng thời danh mục cho vay tiếp tục cải thiện với nợ quá hạn và tái cơ cấu đang trên đà giảm.

VCBS cũng đề cập đến khả năng xử lý các tài sản tồn đọng trong năm 2025–2026, đặc biệt là khoản nợ liên quan đến khu công nghiệp Phong Phú và 32,5% cổ phần của STB do VAMC nắm giữ. Dù khoản thu nhập tiềm năng từ các giao dịch này chưa được đưa vào dự báo tài chính, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ lớn nếu được hiện thực hóa.