Xét về câu chuyện kinh doanh, Tập đoàn Hoa Sen bước qua khoản lỗ nghìn tỷ năm 2022 bằng mức doanh thu 31.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ trong năm 2023. Con số dù khá khiêm tốn song vẫn được đánh giá cải thiện tích cực trong bối cảnh ngành thép đang chịu nhiều tác động.

Đáng nói, mức lãi mỏng trên đã giúp gần 616 triệu cổ phiếu HSG được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đưa ra khỏi danh sách cắt margin.

Quý I niên độ tài chính 2023/2024 (từ tháng 10-12/2023), Hoa Sen đạt với doanh thu gần 9.100 tỷ đồng - tăng 15% so với cùng kỳ niên độ trước. Lợi nhuận gộp tăng vọt 494% đạt 950 tỷ đồng; biên lãi gộp cải thiện từ mức 2% lên 10%.

Sau trừ thuế phí, doanh nghiệp được điều hành bởi Chủ tịch Lê Phước Vũ báo lãi sau thuế 103 tỷ đồng - cải thiện mạnh so với khoản lỗ ròng 680 tỷ đồng cùng kỳ niên độ trước. Đây cũng là mức lãi cao thứ 2 ngành thép trong quý cuối năm 2023 Dương lịch qua đó tiếp tục nối dài đà phục hồi của tập đoàn này kể từ đầu năm 2023.

Tính chung trong cả năm 2023 Dương lịch, Tập đoàn Hoa Sen đã lãi ròng 800 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HSG biến động hẹp tại vùng giá quanh 23.000 đồng/cp.

Cổ phiếu HSG và 'chỉ báo' khối ngoại: Có nên mua tích lũy?
Diễn biến giá cổ phiếu HSG

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán TCBS ra khuyến nghị chờ mua đối với cổ phiếu HSG với quan điểm cổ phiếu đang di chuyển về đoạn cuối của nhịp tích lũy (đã kéo dài hơn 2 tháng qua). Dòng tiền lớn đang duy trì sự hiện diện tại cổ phiếu đầu ngành tôn mạ này trong cùng thời điểm.

Theo thống kê trong 3 tháng gần nhất, khối ngoại mua ròng 10,2 triệu cổ phiếu HSG - chỉ sau NKG (khối lượng mua 14,5 triệu cp) và vượt trội so với phần còn lại của nhóm thép. Tính từ giữa tháng 1/2024 tới nay, hơn 12 triệu cổ phiếu HSG đã về tay khối ngoại.

Đáng chú ý, chỉ trong thời gian ngắn, nhóm quỹ Dragon Capital đã chi tới 135,5 tỷ đồng gom thêm 5,8 triệu cổ phiếu Hoa Sen.