Tổng CTCP Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - PVChem (Mã PVC - HNX) vừa thông báo Nghị quyết phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Liên doanh DMC-VTS tương đương 613.080 USD (hơn 14 tỷ đồng) nhằm giảm sở hữu về 0%.

Tháng 6 tới đây, công ty sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua một số nội dung quan trọng trong đó có tờ trình về phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu - tăng vốn điều lệ gấp đôi từ 500 tỷ lên 1.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên PVChem tăng vốn kể từ năm 2012.

Theo phương án, PVC sẽ phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 5:1). Thời gian dự kiến trong năm 2023.

Bên cạnh đó, công ty cũng dự chào bán 40 triệu cổ phiếu tỷ lệ 5:4 (giá chào bán là 10.000 đồng/cp). Số tiền huy động sẽ được sử dụng để góp vốn vào các công ty thành viên và bổ sung vốn lưu động. Thời gian dự kiến trong năm 2023 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Tại Đại hội, PVC sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 42 tỷ đồng - lần lượt giảm 15,4% và tăng 8,4% so với năm 2022. Tỷ lệ chia cổ tức phấn đấu mức 4%.

Trước đó năm 2022, PVChem đạt doanh thu 2.954 tỷ đồng; lãi trước thuế ở mức 38,7 tỷ - hoàn thành 99% mục tiêu. Với kết quả trên, tổng công ty dự kiến chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 1,8% bằng tiền.

Trên thị trường chứng khoán, cùng với diễn biến tích cực ở nhóm dầu khí thời gian qua, cổ phiếu PVC đã tăng 18% trong hơn 1 tháng gần đây. Tính từ mức thấp nhất phiên 16/11/2022, hiện mã tăng 126% lên mức 18.000 đồng.

Đây cũng là mã dầu khí ghi nhận thanh khoản ổn định từ 1,5 - 4 triệu đơn vị/phiên trong 1 năm thị trường biến động.

Cổ phiếu PVC - Dòng tiền lớn nhập cuộc?
PVC - Đỉnh sau cao hơn đỉnh trước

Hiện chỉ báo kỹ thuật MCDX cho thấy dòng tiền lớn đang tăng lên ở cổ phiếu PVC đi kèm với dòng tiền đầu cơ. Trong khi đó, dòng tiền nhỏ lẻ đang suy yếu.