Sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới việc cung cấp đủ than để bảo đảm đủ điện, trong bối cảnh cả nước vào mùa nắng nóng và mực nước của các hồ thủy điện rơi xuống mức báo động, cổ phiếu than đã ghi nhận một phiên tăng điểm tích cực.

Đóng cửa ngày giao dịch 19/5, TC6 tăng mạnh nhất (+8%); NBC (+5,1%); TVD (+4,5%); THT (4,1%);…

Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện dùng than trong nước, "cần bao nhiêu thì cung cấp bấy nhiêu".

Cổ phiếu than và nhiệt điện than được đánh giá là hưởng lợi hơn trong bối cảnh thủy điện suy yếu. Pha El Nino sẽ gây ra thời tiết nóng hơn với những đợt hạn hán kéo dài hơn dự kiến.

Trên thực tế, nhóm than đã âm thầm đi lên kể từ đầu năm khi ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc. Tính đến nay, hầu hết các mã nhóm than đã tăng trên 60%, thậm chí TC6 đã gấp đôi thị giá.

Đại diện cho kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng ngành than là CTCP Than Mông Dương - Vinacomin (HNX: MDC) với mức lợi nhuận quý 4/2022 tăng 456% và tăng 139% trong quý 1/2023; Than Đèo Nai (TDN) quý 4/2022 (+433%) và quý 1/2023 (+93%); CTCP Than Cao Sơn - TKV (UPCoM: CST) quý 4/2022 (+200) và quý 1/2023 (+348%).

Theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, hiện Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Đông Âu, Tây Âu là những thị trường nhập khẩu than, than đá lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, sản lượng than xuất sang Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 5% tổng nhu cầu, nên nước này phải nhập khẩu từ các nước khác như Úc và Nga. Hiện tại, Trung Quốc vẫn thiếu hụt than trầm trọng, đặc biệt là than dành cho ngành năng lượng, phát điện. Vì vậy, vị chuyên gia tin rằng năm 2023 cổ phiếu ngành than còn nhiều dư địa tăng trưởng.