Ngày 28/6, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt các bị can gồm: Phan Thanh Long (nguyên Tổng Giám đốc) và Nguyễn Thị Phi Yến (cựu Trưởng phòng giao dịch Bạch Mai) của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa cùng mức 42 tháng tù; Hoàng Minh Sơn (cựu Chủ tịch HĐQT), Hồ Hoài Nam (cựu Tổng Giám đốc), Nguyễn Trung Thành (cựu Phó Tổng Giám đốc) của Chứng khoán Trường Sơn (TSS) 30 - 36 tháng tù. Tất cả cùng tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2008 - 2009, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TNB) thực hiện cho vay chiết khấu. Khi ấy, bà Yến - Giám đốc phòng giao dịch Bạch Mai đã chủ động trao đổi với TSS về việc hợp tác cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán. Cụ thể, ngân hàng sẽ cho các khách hàng đầu tư chứng khoán của TSS vay tiền để mua chứng khoán niêm yết. Tài sản bảo đảm, nguồn trả nợ là từ nguồn thu từ việc bán chứng khoán đã mua.

Giai đoạn tháng 5/2010 - 9/2011, Phòng giao dịch Bạch Mai đã giải ngân hơn 2.700 tỷ đồng cho TSS. Đến tháng 10/2011, TSS còn nợ gốc 43 tỷ đồng và nợ lãi 1,7 tỷ đồng không có khả năng trả cho TNB.

Công ty chứng khoán làm giả 1.691 bộ hồ sơ để ngân hàng cho vay hơn 2.700 tỷ đồng, nhiều lãnh đạo vướng vòng lao lý
Vụ án xảy ra trước khi Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa được sáp nhập vào SCB

Lập hồ sơ khống để vay rồi sử dụng tiền sai mục đích

Kết quả trên xảy ra do nhóm này đã vi phạm quy định về cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán. Cụ thể, Nam và Thành đã theo ủy quyền của Sơn đã chỉ đạo nhân viên lấy thông tin từ khách hàng, lập hồ sơ khống và ký giả chữ ký khách hàng khống để vay vốn ngân hàng lấy tiền phục vụ hoạt động kinh doanh. Cơ quan điều tra xác định nhóm bị cáo TSS đã lập khống 1.558 xác nhận kết quả giao dịch để làm giả 1.691 bộ hồ sơ.

Còn Yến đã không chỉ đạo kiểm tra hồ sơ vay vốn, không kiểm tra việc sử dụng vốn vay dẫn đến không phát hiện các hồ sơ vay vốn giả. Từ đó, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa giải ngân hơn 2.700 tỷ đồng.

Số tiền này được TSS sử dụng để đảo nợ, chuyển tiền vào các công ty của Sơn theo các hợp đồng thuê nhà, sửa chữa văn phòng, ủy thác mua trái phiếu Chính phủ và chi cho các hoạt động khác của công ty.

Năm 2011, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và TMCP Đệ Nhất, Sài Gòn đã được hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) do Trương Mỹ Lan nắm giữ lần lớn vốn chủ sở hữu.

Sau khi vụ án được khởi tố, năm 2015, bị can Sơn đã chuyển hơn 43 tỷ đồng nợ gốc và sau đó chuyển tiếp số tiền lãi hơn 1,7 tỷ đồng vào tài khoản SCB để trả khoản nợ của TSS kể trên. Tuy nhiên, ông này vẫn phải bồi thường số tiền lãi phát sinh hơn 18 tỷ đồng.