Nhóm Vingroup làm đường sắt tốc độ cao rẻ hơn Chính phủ

CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed vừa đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1.562.000 tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời và tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.

Trong đó, VinSpeed cam kết thu xếp 20% tổng vốn đầu tư, tương đương 312.330 tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% còn lại, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, được doanh nghiệp đề xuất vay từ nguồn vốn Nhà nước với lãi suất 0%, thời hạn hoàn trả trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.

VinSpeed kỳ vọng có thể khởi công trước tháng 12/2025, đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa toàn tuyến vào vận hành trước tháng 12/2030.

So với phương án đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam được phê duyệt tại Nghị quyết số 172/2024/QH15, với tổng mức đầu tư 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67 tỷ USD) và thời gian hoàn thành vào năm 2035, đề xuất của VinSpeed được đánh giá là khá hấp dẫn.

Cùng Trung Quốc - Đức - Nhật Bản làm toa xe, tín hiệu cho đường sắt 67 tỷ USD, Vingroup liệu có 'đối đầu' Viettel, VNPT và THACO?
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, VinSpeed cũng lưu ý rằng phần lớn các dự án đường sắt cao tốc trên thế giới đều khó hoàn vốn và thường phải bù lỗ kéo dài. Do đó, doanh nghiệp đề xuất phối hợp cùng Vingroup và Vinhomes phát triển các khu đô thị hiện đại, đầy đủ tiện ích tại khu vực lân cận các ga đường sắt theo mô hình TOD (Transit Oriented Development).

Vingroup liệu có đối đầu Viettel. THACO, VNPT?

VinSpeed là doanh nghiệp mới thành lập, được hậu thuẫn bởi Tập đoàn Vingroup và gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Công ty có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 51% cổ phần. Tập đoàn Vingroup góp 600 tỷ đồng, tương đương 10% vốn điều lệ. CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - một pháp nhân liên quan đến hệ sinh thái Vingroup góp 2.100 tỷ đồng (35%). Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup, góp 180 tỷ đồng (3%). Hai người con trai của ông Vượng là Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Quân Anh, mỗi người góp 30 tỷ đồng, tương ứng 0,5% cổ phần.

VinSpeed được thành lập với mục tiêu đầu tư, xây dựng, kinh doanh (vận hành, khai thác) các công trình đường sắt cao tốc; sản xuất phương tiện giao thông vận tải đường sắt (đầu máy, toa xe) và hệ thống tín hiệu, điều khiển đường sắt, nhằm góp phần vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia.

Để bắt nhịp với dự án, Vingroup hiện đang đàm phán với các đối tác đến từ những quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất đầu máy, toa xe cùng hệ thống tín hiệu, điều khiển ngay tại Việt Nam. Đồng thời, công ty sẽ nhanh chóng tổ chức đào tạo nhân sự và làm chủ công nghệ, hướng tới xây dựng nền công nghiệp đường sắt tự chủ trong nước.

Đây cũng là mảng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao phó cho một số doanh nghiệp nội địa. Thủ tướng đã chỉ đích danh hai tập đoàn viễn thông lớn là VNPT và Viettel tham gia trực tiếp vào các dự án đường sắt, với nhiệm vụ nghiên cứu, tiếp nhận, phát triển và làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và điều khiển trong phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm ngành đường sắt mới tổ chức.

Đầu năm nay, Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn THACO tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất đầu máy, toa tàu cho đường sắt tốc độ cao.

Cùng Trung Quốc - Đức - Nhật Bản làm toa xe, tín hiệu cho đường sắt 67 tỷ USD, Vingroup liệu có 'đối đầu' Viettel, VNPT và THACO?
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng đề nghị THACO tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu, đầu máy của đường sắt tốc độ cao

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác như Hòa Phát, Đèo Cả, FECON... cũng bày tỏ sự quan tâm lớn đến dự án. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ khả năng đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ và tài chính để tham gia dự án đường sắt tốc độ cao.