Báo điện tử Chính phủ trích số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho thấy, tính đến tháng 4/2025, Ấn Độ đã khởi xướng tổng cộng 39 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, trong đó có 27 vụ chống bán phá giá, 6 vụ chống trợ cấp và 6 vụ tự vệ. Các sản phẩm bị điều tra trải dài từ thép, ống đồng, sợi nhựa, kính năng lượng mặt trời đến gỗ DMF...
Ấn Độ dù có quy định chọn mẫu trong điều tra song trên thực tế quốc gia này thường áp dụng điều tra trên diện rộng. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các doanh nghiệp liên quan đều phải trả lời bản câu hỏi, đồng thời mỗi doanh nghiệp sẽ bị tính thuế riêng dựa trên dữ liệu mà họ cung cấp.
Ngoài ra, cơ quan điều tra Ấn Độ có xu hướng áp đặt, lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại, có những kết luận chưa thuyết phục/không phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Trước tình hình này, nhằm duy trì ổn định xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định, thủ tục, thực tiễn điều tra của thị trường; triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, duy trì hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh cần đẩy mạnh nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường sử dụng nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2024 đạt xấp xỉ 15 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 9,06 tỷ USD tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 5,83 tỷ USD giảm 0,6%.
Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục giữ lợi thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với Ấn Độ, nhờ sự tăng trưởng của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.