Nợ xấu tăng 31%, VietinBank có hơn 27.000 tỷ đồng "lợi nhuận tiềm ẩn"
Tổng nợ xấu tại nhóm 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đạt hơn 265.000 tỷ đồng tính đến hết tháng 3/2025, tăng 18,5% so với cùng kỳ và hơn 16% so với thời điểm cuối năm 2024 – tương đương mức tăng khoảng 37.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, có tới 22/27 ngân hàng ghi nhận nợ xấu gia tăng so với quý I năm ngoái.
Trong bức tranh toàn ngành gia tăng áp lực nợ xấu, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG) cũng không ngoại lệ. Đến cuối tháng 3/2025, tổng nợ xấu của ngân hàng này lên tới 27.971 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay theo đó tăng từ 1,24% thời điểm đầu năm lên 1,55%.
![]() |
Trích BCTC quý I/2025 VietinBank |
Nhận định về xu hướng nợ xấu trong năm nay, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho rằng, việc đứt gẫy chuỗi cung ứng khiến nợ xấu và nợ tiềm ẩn có xu hướng tăng. Tuy nhiên, với kịch bản lạc quan là các nền kinh tế lớn đạt được thỏa thuận thương mại và ổn định vĩ mô, nợ xấu dù có tăng cũng sẽ không ở mức đột biến.
“Về phía VietinBank, kiểm soát chất lượng nợ luôn là một trong các trụ cột quan trọng để kiểm soát chi phí tín dụng, đạt mục tiêu ĐHĐCĐ giao”, lãnh đạo VietinBank khẳng định.
Để kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, VietinBank đang triển khai công tác phân luồng khách hàng, hỗ trợ cơ cấu nợ tổng thể đối với các trường hợp có khả năng phục hồi sau giai đoạn khó khăn tạm thời. Ban lãnh đạo ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8% trình ĐHĐCĐ, trong khi đó phấn đấu duy trì ở mức 1,2–1,5%.
Liên quan đến quản trị rủi ro, đáng chú ý, trong năm 2024, VietinBank đã trích lập dự phòng lên tới 27.500 tỷ đồng, mức cao so với các ngân hàng cùng ngành.
“Đây chính là lợi nhuận tiềm ẩn, khi chúng tôi nỗ lực và thu hồi được trong tương lai thì tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Trong bối cảnh biên lãi suất ngày càng thu hẹp như hiện tại, việc tăng thu nợ XLRR giúp chúng tôi cải thiện hiệu quả hoạt động", lãnh đạo Vietinbank nhận định.
Trong năm 2024, VietinBank đã thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng nợ xử lý rủi ro (XLRR). Bước sang năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu thu hồi từ 10.000 tỷ đồng (kịch bản thận trọng) đến 12.000 - 15.000 tỷ đồng (kịch bản tích cực).
Song song với xử lý nợ rủi ro, VietinBank tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro, tăng cường ứng dụng công nghệ tự động để nhận diện sớm các khoản nợ có dấu hiệu chuyển nhóm. Thông tin này sẽ giúp ngân hàng xây dựng kịch bản cơ cấu, xử lý nợ phù hợp và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
“Việc thận trọng trong tăng trưởng, kiểm soát chất lượng nợ và chủ động trích lập dự phòng sẽ giúp VietinBank nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng chống chịu rủi ro trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động", lãnh đạo VietinBank cho biết.
Quý I/2025, VietinBank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng, đạt khoảng 5% tính đến giữa tháng 4, tương đương dư nợ tín dụng khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước (Big4) trong bối cảnh toàn ngành đang đối mặt với nhiều thách thức về hấp thụ vốn và nhu cầu tín dụng thấp.
![]() |
Ảnh minh họa VietinBank |
Điểm sáng dư địa tài chính trong bối cảnh NIM thu hẹp
Dù tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cải thiện rõ rệt trong quý I/2025, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng lại ghi nhận xu hướng suy giảm, phản ánh áp lực kép từ cạnh tranh lãi suất và chi phí vốn gia tăng.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán KIS cho biết, tín dụng toàn hệ thống tính đến hết quý I/2025 tăng 3,93% so với cuối năm 2024 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước – cao hơn nhiều so với mức tăng 1,42% trong quý I/2024. Động lực chính đến từ nhu cầu vay vốn phục hồi mạnh mẽ ở khối doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng tín dụng, biên lãi ròng toàn ngành lại suy giảm. NIM trung bình của các ngân hàng giảm 45 điểm cơ bản so với cùng kỳ, xuống còn 3,1%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc lợi suất tài sản giảm trong khi chi phí huy động vốn chưa hạ tương ứng. Phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận mức NIM giảm trong quý I năm nay.
![]() |
Báo cáo Chứng khoán KIS |
Cùng quan điểm, SSI Research nhận định NIM toàn ngành đang ở mức thấp nhất kể từ giai đoạn 2016–2017 do cạnh tranh trong hệ thống ngày càng gia tăng. Báo cáo của công ty chứng khoán này cũng dự báo NIM ngàng ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực trong năm 2025 và chỉ có thể hồi phục dần từ cuối năm, khi một số khoản vay mua nhà hết thời gian hưởng lãi suất ưu đãi.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, ông Lê Thanh Tùng – Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank – cho biết, biên lãi ròng của ngân hàng trong năm 2024 tương đối ổn định. Cụ thể, NIM hợp nhất quý IV/2024 đạt 2,92%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (2,91%) và trung bình cả năm 2023 (2,9%).
Dù vậy, ông Tùng cũng thừa nhận rằng trong năm 2025, NIM sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân là chi phí vốn có xu hướng tăng, trong khi ngân hàng vẫn phải tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
“Vì vậy, chắc chắn NIM sẽ có những tác động nhất định trong năm tới", ông nhận định.
Trong bối cảnh biên lãi ròng toàn ngành bị thu hẹp, khoản trích lập dự phòng rủi ro lên tới hơn 27.000 tỷ đồng trong năm 2024 của VietinBank có thể tạo ra dư địa tài chính giúp ngân hàng có lợi thế trong cuộc đua lợi nhuận. Khoản trích lập này được xem là “lợi nhuận tiềm ẩn” vì sẽ được hoàn nhập vào kết quả kinh doanh khi ngân hàng thu hồi thành công các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
Nếu hoàn thành kế hoạch thu hồi nợ xấu từ 10.000–15.000 tỷ đồng trong năm 2025, phần “lợi nhuận hoãn ghi nhận” này được kỳ vọng sẽ tạo ra biên lợi nhuận dày thêm cho VietinBank – một điểm sáng trong bối cảnh tỷ suất sinh lời toàn ngành đang bị bào mòn.