Theo Thông tư số 05 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thời gian làm việc trong năm học của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và giáo viên trường phổ thông là 42 tuần. Trong đó, 37 tuần dành cho giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông (gồm 35 tuần thực dạy và 2 tuần dự phòng), 3 tuần để học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ và 2 tuần chuẩn bị, tổng kết năm học.
Đáng chú ý, Thông tư lần này bổ sung quy định quan trọng: hiệu trưởng và phó hiệu trưởng được nghỉ hè như giáo viên, thay vì phải làm việc xuyên suốt như trước. Thời gian nghỉ có thể được bố trí linh hoạt trong năm học hoặc trong kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động nhà trường không bị gián đoạn, lịch nghỉ của cán bộ quản lý cần được báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp.
![]() |
Với quy định mới, Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ được nghỉ hè giống giáo viên. Ảnh minh hoạ |
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về quyền lợi nghỉ hằng năm cho giáo viên nữ nghỉ thai sản: nếu thời gian nghỉ hè trước hoặc sau khi nghỉ thai sản không đủ so với thời gian nghỉ theo Bộ luật Lao động, giáo viên sẽ được bố trí nghỉ thêm để bảo đảm đủ số ngày theo quy định.
Liên quan đến việc này, thầy Lê Trung Tín – Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) – nhận định trên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được nghỉ hè như giáo viên là một điều hợp lý và rất đáng hoan nghênh.
Thầy cho biết, giáo viên và ban giám hiệu đều chịu nhiều áp lực, khối lượng công việc lớn, nên cần có sự quan tâm, chia sẻ công bằng từ chính sách.
Theo thầy Tín, dù nghỉ hè nhưng các cán bộ quản lý vẫn phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng như tổ chức thi tốt nghiệp, tuyển sinh, rà soát cơ sở vật chất, lên kế hoạch cho năm học mới… Vì vậy, quy định mới không chỉ giúp giảm áp lực mà còn tạo thêm động lực cống hiến.
"Chúng tôi vẫn thực hiện các công việc quản lý nhà trường theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Thông thường có một số đầu việc liên quan đến tuyển sinh, thi tốt nghiệp, coi thi, chấm thi... hay rà soát cơ sở vật chất... Chúng tôi thấy vui mừng trước sự quan tâm, chia sẻ của chính sách mới, tiếp thêm động lực cho nhà giáo tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp chung", thầy Tín nói trên Tạp chí Giáo dục Việt Nam.
Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sắp xếp lịch nghỉ linh hoạt, khoa học để đảm bảo các hoạt động của nhà trường vẫn diễn ra trôi chảy, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị cho năm học mới.