Ngày 14/5, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, ông Kim Eng Tan, Giám đốc cấp cao của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, cùng đoàn chuyên gia S&P, không giấu được sự ấn tượng khi nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và công tác sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy đang được Việt Nam triển khai rất quyết liệt, bài bản và đầy quyết tâm".

Tăng trưởng 7,09%, cải cách bộ máy mạnh mẽ: S&P dự báo Việt Nam sẽ vượt chuẩn nhờ Nghị quyết 68
S&P ấn tượng với Nghị quyết 68-NQ/TW: Động lực cải cách thể chế và củng cố tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Theo ông Kim Eng Tan, đây là những cải cách thể chế mang tính chiến lược, đặt nền tảng cho tăng trưởng bền vững và là yếu tố giúp Việt Nam có khả năng nâng hạng tín nhiệm quốc gia trong tương lai gần.

S&P đặc biệt đánh giá cao các chính sách tài khóa mở rộng mà Việt Nam đang triển khai nhằm tạo dư địa tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khó khăn. Nổi bật là các biện pháp giảm, giãn thuế và tiền thuê đất, giúp doanh nghiệp duy trì dòng tiền và đầu tư sản xuất. Song song với đó, đầu tư công được đẩy mạnh, tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế.

Việt Nam cũng đang hướng tới phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại theo định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW, coi đây là đột phá chiến lược nâng cao năng suất và sức cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, việc xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong Nghị quyết 68-NQ/TW được giới chuyên gia đánh giá là “liều thuốc tăng lực” cho sự năng động, tự cường và bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

“Hiện tại, xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đang ở mức BB+, triển vọng ổn định, song, với nền tảng tăng trưởng mạnh, cải cách sâu và quyết tâm chính trị cao, tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng bước vào nhóm có tín nhiệm cao hơn trong vòng 1–2 năm tới”, S&P đánh giá.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chia sẻ những kết quả nổi bật trong điều hành kinh tế - tài chính của Chính phủ: GDP năm 2024 đạt 7,09%, vượt kỳ vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Quý I/2025 tăng trưởng đạt 6,85%, là mức cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây; lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị S&P tiếp tục đồng hành, đánh giá khách quan và toàn diện để Việt Nam sớm đạt mục tiêu: Nâng hạng tín nhiệm quốc gia, mở rộng khả năng huy động vốn với chi phí thấp hơn; Nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi; Tăng sức hút dòng vốn đầu tư quốc tế, đặc biệt vào các lĩnh vực hạ tầng, chuyển đổi số và năng lượng tái tạo.

“Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới và đang từng bước tiến sát các chuẩn mực quốc tế trong quản lý tài khóa, điều hành tiền tệ và phát triển thị trường vốn,” Phó Thủ tướng khẳng định.