Sau khi Mỹ hoãn thực hiện thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, có hiệu lực từ ngày 10/4/2025 và chỉ áp dụng mức thuế diện rộng 10% cho tất cả các nước, ngoại trừ Trung Quốc, các nước phải chịu mức thuế này – trong đó có Việt Nam – đã tích cực làm việc với các cấp lãnh đạo của Mỹ nhằm đàm phán giảm/huỷ thuế suất này.

Tính đến ngày 13/5/2025, Anh và Trung Quốc là 2 nước đầu tiên đạt được thỏa thuận sơ bộ với Mỹ về việc hạn chế áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ (ký với Anh) và điều chỉnh giảm thuế suất thuế đối ứng (ký với Trung Quốc).

Thuế đối ứng Mỹ: Việt Nam có cơ hội giữ dưới ngưỡng 30%
Nguồn: TVS Research

Mặc dù vậy, qua thỏa thuận Mỹ - Anh, TVS Research nhận thấy đây không phải là một ví dụ có thể áp dụng với đa số các quốc gia phải chịu thuế đối ứng từ Mỹ. Nhận định này của công ty chứng khoán dựa trên một số nguyên nhân:

(1) Anh không nằm trong danh sách các nước chịu thuế đối ứng của Mỹ và nước này đang có thâm hụt thương mại với Mỹ, tính đến năm 2024 đạt khoảng 11,7 tỷ USD. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Anh và các nước tham gia đàm phán khác, khi các quốc gia này đều có thặng dư thương mại với Mỹ.

(2) Mặc dù không chịu thuế đối ứng, hiện tại hàng hóa xuất khẩu từ Anh vẫn phải chịu mức thuế nói chung 10%. Sau khi đàm phán sơ bộ, một số mặt hàng từ Anh được gỡ thuế như ô tô (bị giới hạn số lượng được miễn thuế), Mỹ có thể hạ thuế nhập khẩu thép và nhôm từ Anh xuống mức thuế suất tối thiểu. Ngược lại, Anh sẽ miễn thuế với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ như thịt bò, cồn (có giới hạn số lượng được miễn thuế), đồng thời phải giảm nhiều rào cản phi thuế quan với hàng hóa Mỹ như tạo điều kiện để các hãng dược phẩm Mỹ có thể hoạt động trên lãnh thổ Anh.

Về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, 2 nước đồng ý giảm thuế nhập khẩu hàng hóa vào mỗi nước. Trong đó, Mỹ chấp nhận mức thuế đánh lên hàng nhập khẩu Trung Quốc ở mức 30%; ngược lại, Trung Quốc giảm thuế với hàng nhập khẩu từ Mỹ còn 10%. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 90 ngày, sau đó hai bên sẽ đánh giá lại trước khi đưa ra các quyết định tiếp theo.

Về phía Việt Nam, chúng ta là nước có thặng dư thương mại với Mỹ và hiện đang bị cáo buộc là nước trung chuyển hàng hóa cho Trung Quốc và thao túng tiền tệ. Các cáo buộc này của Mỹ có thể ảnh hưởng đến quá trình đàm phán, cụ thể như sau:

(1) Để giảm thặng dư thương mại, Việt Nam có thể cam kết nhập khẩu thêm một số mặt hàng từ Mỹ như nông, thủy sản, đồng thời mua mới một số mặt hàng đặc biệt như máy bay thương mại,... Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng các mặt hàng này tại Việt Nam không lớn, TVS cho rằng phần tăng kim ngạch nhập khẩu sẽ không trọng yếu và không làm giảm đáng kể thặng dư thương mại.

(2) Với yêu cầu Việt Nam không đóng vai trò trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, chúng ta có thể cam kết minh bạch quá trình kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Mặc dù vậy, đầu vào của đa số hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đến từ các doanh nghiệp FDI hoặc từ Trung Quốc, do đó yêu cầu này của Mỹ khó có thể thực hiện.

(3) Với cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và yêu cầu Chính phủ Việt Nam làm giảm tỷ giá USD/VND, TVS cho rằng việc này khó thực hiện được khi tỷ giá USD/VND tăng tự nhiên qua các năm do nhu cầu về USD để thanh toán xuất - nhập khẩu tăng và nhằm chi trả nợ vay trái phiếu Chính phủ, dẫn đến việc can thiệp giảm tỷ giá USD/VND là khó khả thi.

Mặc dù vậy, với việc Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại với đối thủ chính trong lần áp thuế đối ứng này là Trung Quốc, quá trình đàm phán với các quốc gia khác có thể sẽ dễ dàng hơn.

TVS Research cho rằng phía Việt Nam có thể cam kết giải quyết các vấn đề mà phía Mỹ đưa ra nhằm đạt được thỏa thuận sơ bộ, trong đó mức thuế đối ứng sẽ được giảm đáng kể và duy trì trong 90 – 180 ngày sau đó. Công ty chứng khoán cũng cho rằng mức thuế suất sau giảm sẽ thấp hơn so với mức thuế 30% áp lên hàng Trung Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tháng 4/2025 lần lượt đạt 37,5 tỷ USD (+19,8% YoY) và 36,9 tỷ USD (+22,9% YoY). Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 88%, nhóm nông, lâm, thủy sản chiếm 11%, và nhóm nhiên liệu khoáng sản chiếm 1% trong kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.

Thuế đối ứng Mỹ: Việt Nam có cơ hội giữ dưới ngưỡng 30%
Nguồn: TVS Research

TVS Research giữ vững quan điểm về việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi mức thuế đối ứng đang được tạm hoãn cho đến giữa tháng 7/2025. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4/2025 tăng 33,9% YoY (+1,5% MoM), cho thấy các doanh nghiệp tại Mỹ đang tăng cường tích trữ hàng hóa trước rủi ro về mức thuế đối ứng cao hơn sau ngày 9/7. Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ như Samsung, Nike, Adidas và GAP đều tăng tối đa công suất sản xuất nhằm xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhiều nhất có thể trong giai đoạn tạm hoãn thuế đối ứng kéo dài 90 ngày của Mỹ lên các nước (theo Reuters).

Vào thời điểm cuối tháng 4, Bộ Công Thương đã sang Mỹ để đàm phán về mức thuế quan mà Mỹ muốn áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. TVS cho rằng việc đạt được một thỏa thuận có lợi cho Việt Nam so với các quốc gia khác sẽ phụ thuộc vào các hành động của Việt Nam, chẳng hạn như: (1) các biện pháp đưa ra để tránh việc hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, (2) cam kết nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ như khí LNG, các mặt hàng nông sản.... và (3) giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ.