Cựu CEO Google Eric Schmidt nhận định Mỹ đang "đi trước Trung Quốc" khi nói đến lĩnh vực AI.

Ông Schmidt cho hay: “Trong trường hợp của trí tuệ nhân tạo, Mỹ đang dẫn trước rất xa, có lẽ là hai hoặc ba năm so với Trung Quốc, điều này trong thế giới công nghệ là khoảng thời gian vô tận”. "Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong tình trạng khá tốt”, vị CEO nói thêm.

Schmidt từng giữ vị trí Giám đốc điều hành của Google từ năm 2001 đến năm 2011 và giữ chức Chủ tịch cho đến năm 2015. Sau khi rời đi, Schmidt đã đầu tư vào nhiều công ty AI khác nhau, bao gồm cả Anthropic. Ông cũng trở thành Chủ tịch Ban Đổi mới của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2016 và chủ trì Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ về trí tuệ nhân tạo (NSCAI) trong ba năm.

Cựu CEO Google tiết lộ 4 yếu tố khiến Trung Quốc bị 'tụt lùi' so với Mỹ trong cuộc so găng tại lĩnh vực nghìn tỷ USD
Cựu CEO Google Eric Schmidt. Ảnh: BI

Schmidt cho biết Mỹ có thể trở thành người chiến thắng trong cuộc đua AI - miễn là nước này không làm mất đi vị thế dẫn đầu của mình. Ông nhận định Trung Quốc đang tập trung thống trị một số ngành công nghiệp nhất định, do đó Mỹ cần cạnh tranh với họ và giành chiến thắng.

Đầu năm 2024, Trung Quốc đã phê duyệt hơn 40 mô hình AI trong thời gian sáu tháng, bao gồm 14 mô hình ngôn ngữ lớn mới được phê duyệt để sử dụng công khai trong khoảng thời gian một tuần. Trong số đó, Baidu, “gã khổng lồ” về công cụ tìm kiếm được mệnh danh là “Google của Trung Quốc”, hiện đang nắm giữ vị trí dẫn đầu.

Schmidt đã nói về 4 yếu tố góp phần đưa ra quan điểm của ông rằng Trung Quốc đang đi sau Mỹ trong cuộc đua AI.

Thiếu hụt chip

Schmidt cho biết Trung Quốc đang “vật lộn với tình trạng thiếu hụt chip AI”.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm thứ Ba (7/5), ông cho biết Trung Quốc đã chậm lại do bị Chính quyền của hai đời Tổng thống Donald Trump và Joe Biden hạn chế quyền truy cập vào các chip tốc độ cao, đặc biệt là các chip của Nvidia.

“Họ chắc chắn vô cùng tức giận về điều đó”, Schmidt nói.

Cựu CEO Google tiết lộ 4 yếu tố khiến Trung Quốc bị 'tụt lùi' so với Mỹ trong cuộc so găng tại lĩnh vực nghìn tỷ USD
Ảnh minh họa

Các con chip đóng vai trò là thành phần quan trọng trong nỗ lực mở rộng quy mô lĩnh vực AI. Căng thẳng liên quan đến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến sự thúc đẩy từ phía Chính phủ để sản xuất bán dẫn ở Mỹ. Vào tháng 11/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thực thi Quy tắc về chip điện toán nâng cao, khiến Trung Quốc khó nhập khẩu chip AI tiên tiến từ các nhà sản xuất Mỹ hơn.

Chính quyền Biden gần đây nhất đã xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty bán dẫn Trung Quốc có liên kết với Huawei vào tháng 3 vừa qua.

Trung Quốc có ít tài liệu hơn để đào tạo các mô hình AI

Schmidt cũng cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC rằng không có nhiều tài liệu tiếng Trung để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn bởi tiếng Anh thống trị internet, nơi chứa các tài liệu nghiên cứu và sách để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn. “ Đó là lý do tại sao tiếng Anh lại có thế mạnh trong các mô hình ngôn ngữ lớn này”, ông nói.

Ngoài ra, ông cho biết hầu hết dữ liệu đào tạo đều bằng tiếng Anh, điều này có thể dẫn đến cách hiểu và giải thích sai khi chuyển đổi sang các ngôn ngữ khác.

Sụt giảm nguồn tài trợ

Schmidt cho rằng Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sự sụt giảm lớn về đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, “Mỹ đã chứng kiến sự bùng nổ ở những lĩnh vực này”, ông nói.

Trung Quốc đã trải qua suy thoái kinh tế trong vài năm qua và tiếp tục phải đối mặt với vấn đề giảm phát. Vào tháng 11/2023, nước này phải chịu thâm hụt đầu tư lần đầu tiên khi căng thẳng với Mỹ leo thang và doanh nghiệp phương Tây quay lưng.

Tập trung vào những lĩnh vực sai lầm

Cựu CEO Google cho biết Trung Quốc đang tập trung xây dựng các công ty ứng dụng vì lợi nhuận và cuối cùng có thể sẽ thành công. Nhưng họ không tập trung vào nền tảng, ông lập luận.

Schmidt nói: “Trên thực tế, ba hoặc bốn ứng dụng hàng đầu ở Mỹ đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. "Nhưng hiện tại, người lãnh đạo chúng lại là Mỹ."

Theo báo cáo từ CNBC, trong khi các ứng dụng như TikTok có thể thành công, một số chuyên gia trong ngành cho rằng Trung Quốc đang tụt hậu về các mô hình AI nền tảng.