Cựu cố vấn cấp cao của CIEM Raymond Mallon: 4 nhân tố để Việt Nam nhảy vọt và trở thành 'ngôi sao' thu hút FDI

Raymond Mallon là chuyên gia kinh tế người Australia. Ông đã có hơn 30 năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, từng là Cố vấn cao cấp của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và làm việc với nhiều cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhận định về kinh tế Việt Nam, ông Mallon đặc biệt ấn tượng với tốc độ vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam, từ một nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong khu vực trở thành “ngôi sao sáng” về tăng trưởng GDP và thu hút vốn FDI như hiện nay. Nhưng bên cạnh đó Việt Nam vẫn còn nhiều điểm có thể cải thiện để vươn cao hơn nữa trên chuỗi giá trị toàn cầu.

Cựu cố vấn cấp cao của CIEM Raymond Mallon: 4 nhân tố để Việt Nam nhảy vọt và trở thành 'ngôi sao' thu hút FDI

Dưới góc nhìn của ông, kinh tế Việt Nam đang đứng ở đâu trong khu vực?

Vào những năm 1980, khi tôi tới đây lần đầu tiên, Việt Nam là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất khu vực, thậm chí thấp hơn cả Lào. Đến nay các bạn đã tăng trưởng vượt trội, ngoài ra còn thu hút được lượng vốn FDI rất cao và có tỷ lệ thương mại/GDP cao nhất nhì khu vực.

Việt Nam đang bám theo sát nút Philippines và Indonesia, vẫn đứng sau Thái Lan nhưng Thái Lan gần đây gặp nhiều bất lợi vì bất ổn chính trị. Tính theo chỉ số thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam cách Malaysia hay Singapore một quãng khá xa, chưa kể đến những nền kinh tế Đông Á như Hàn Quốc hay Đài Loan.

Tuy nhiên nếu như xét đến một số chỉ tiêu khác như viễn thông, Internet hay lượng smartphone bình quân đầu người thì Việt Nam đang thuộc top đầu. Có những lĩnh vực Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt và vượt xa nhiều nước láng giềng. Ví dụ như những tiến bộ vượt bậc về cơ sở hạ tầng, từ chỗ chất lượng sân bay rất tệ khi tôi mới tới đây đến những sân bay có chất lượng hàng đầu khu vực như hiện nay.

Năm 2023, Việt Nam thu hút lượng vốn FDI kỷ lục. Vậy đâu là những thứ quan trọng nhất giúp Việt Nam thu hút các doanh nghiệp nước ngoài?

Đầu tiên là con người. Hệ thống giáo dục và y tế đã giúp tạo ra nền tảng vững chắc từ ban đầu. Việt Nam có tỷ lệ biết đọc chữ cao. Đó là điểm mấu chốt để người lao động dễ dàng tiếp thu các kỹ năng mới.

Thứ hai, Việt Nam khá may mắn khi có vị trí địa lý thuận lợi với đường bờ biển dài. Việc nằm gần các nước có thu nhập cao vừa mang lại thị trường tiêu thụ tiềm năng, vừa giúp Việt Nam trở thành lựa chọn thay thế khi các doanh nghiệp muốn chuyển nhà máy đến nơi có chi phí nhân công thấp hơn…

Cựu cố vấn cấp cao của CIEM Raymond Mallon: 4 nhân tố để Việt Nam nhảy vọt và trở thành 'ngôi sao' thu hút FDI

Lợi thế thứ ba đến từ các nhà hoạch định chính sách luôn cởi mở, muốn học hỏi và tiếp cận với các công nghệ, ý tưởng mới thay vì khép kín và muốn giữ kinh tế Việt Nam tách biệt với thế giới để tránh sự cạnh tranh. Họ không chỉ đối thoại với doanh nghiệp nội địa mà với cả các nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết những điểm nghẽn. Nhờ vậy mà môi trường kinh doanh ở Việt Nam cải thiện nhanh chóng.

Cuối cùng, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định. Rủi ro chính trị hay chính sách liên tục thay đổi là thứ mà các nhà đầu tư nước ngoài rất sợ.

Tất nhiên, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục gắn bó với Việt Nam sau nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ bởi vì Việt Nam mang đến lợi nhuận cho họ, nhờ nguồn lao động chất lượng rất dễ thích nghi, nhờ Chính phủ biết lắng nghe và sốt sắng giải quyết mọi vấn đề.

Cựu cố vấn cấp cao của CIEM Raymond Mallon: 4 nhân tố để Việt Nam nhảy vọt và trở thành 'ngôi sao' thu hút FDI

Nhiều nền kinh tế đang phát triển đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Theo ông, Việt Nam liệu có phải lo lắng về điều này?

Với những gì Việt Nam đã làm được, tôi tin rằng bẫy thu nhập trung bình không phải là vấn đề đáng lo ngại. Điều Việt Nam nên tập trung cải thiện là hệ thống giáo dục, yếu tố thay đổi chậm hơn đáng kể so với những thứ khác.

Điểm mạnh của Việt Nam là giáo dục bậc tiểu học và trung học rất tốt, không chỉ về chất lượng mà còn ở sự công bằng. Dù ở nông thôn hay thành thị thì bạn đều có cơ hội tiến lên. Điều đó rất hữu ích cho nền kinh tế vì có thể đào tạo nhân tài ở mọi tỉnh thành.

Cựu cố vấn cấp cao của CIEM Raymond Mallon: 4 nhân tố để Việt Nam nhảy vọt và trở thành 'ngôi sao' thu hút FDI

Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam nằm ở đào tạo nghề và các bậc học cao hơn. Việt Nam chưa có hệ thống kiểm định kỹ năng nghề cấp quốc gia. Ngoài ra các bạn vẫn thiếu các trường đại học đứng top đầu khu vực. Kể cả Philippines cũng có 2-3 trường. Dẫu vậy, đã có một số điểm sáng như ĐH FPT hay những trường đại học nước ngoài như RMIT của Úc.

Các trường ở Việt Nam có thể đẩy mạnh các chương trình hợp tác đào tạo với các trường trên khắp thế giới. Bên cạnh đó một số trường top đầu như ĐH Ngoại Thương hay ĐH Quốc gia cũng nên phát triển lên tầm cao mới. Đó là một trong những điều cần cải thiện để tránh bẫy thu nhập trung bình.

Phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh là 2 yếu tố quan trọng để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Ông đánh giá như thế nào về 2 yếu tố này ở Việt Nam hiện nay?

Về cơ sở hạ tầng, có một số điểm các bạn đã làm rất tốt như hàng không và viễn thông hay vận tải đường biển – thứ rất quan trọng đối với nền kinh tế hướng về xuất khẩu. Việt Nam cũng có những bước tiến lớn về điện khí hóa nông thôn và phát triển đường sá ở nông thôn.

Tuy nhiên bên cạnh đó là một số nút thắt, mà có lẽ lớn nhất là năng lượng Để giải quyết điều này cần tăng đầu tư công, đi kèm với kiểm soát tốt tham nhũng. Để thu hút đầu tư nước ngoài, tiến lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, phát triển công nghệ cao thì đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngày càng đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến việc bảo vệ môi trường, ví dụ phát triển hệ thống giao thông công cộng, hướng đến phương tiện xanh như xe điện, xây thêm nhiều công viên…

Cựu cố vấn cấp cao của CIEM Raymond Mallon: 4 nhân tố để Việt Nam nhảy vọt và trở thành 'ngôi sao' thu hút FDI

Về môi trường kinh doanh, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn. Việc thường xuyên đối thoại giữa chính phủ và khu vực doanh nghiệp tư nhân để xác định những điểm nghẽn và nhanh chóng hành động để giải quyết chúng là phương pháp rất hữu hiệu.

Một điểm mà tôi rất thích ở Việt Nam là các bạn luôn tự tạo áp lực để bản thân phải thay đổi và cải thiện. Người Việt thường không bao giờ hài lòng với những gì mình đã đạt được. Họ sẽ nhìn lại quá khứ và nghĩ rằng mình luôn có thể làm tốt hơn.

Theo ông, Việt Nam nên làm gì để tăng năng lực cạnh tranh?

Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam nên đẩy nhanh việc cải cách và nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục.

Thứ hai, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp nội địa có một khởi đầu dễ dàng hơn nữa, thông qua đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chính sách hỗ trợ… Ở Việt Nam đang nổi lên một lực lượng đông đảo các doanh nghiệp nhỏ. Với quy mô nhỏ, những chi phí cố định như chi phí đăng ký kinh doanh hay giấy phép xuất nhập khẩu, các chứng chỉ để có thể tiếp cận thị trường quốc tế… cũng trở thành rào cản lớn đối với họ.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài rất tốt cho nền kinh tế, nhưng phát triển các doanh nghiệp tư nhân nội địa cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Rất nhiều công ty nước ngoài muốn doanh nghiệp nội địa trở thành nhà cung ứng cho họ để cắt giảm chi phí. Do đó, doanh nghiệp nội địa phát triển là điều có lợi cho tất cả các bên, và đó cũng là bài toán mà Việt Nam cần giải quyết.

Cựu cố vấn cấp cao của CIEM Raymond Mallon: 4 nhân tố để Việt Nam nhảy vọt và trở thành 'ngôi sao' thu hút FDI

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã rời Trung Quốc và lựa chọn Việt Nam làm nơi thay thế. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ngay cả trước khi xuất hiện căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đã thu hút được nhiều công ty nước ngoài nhờ chi phí nhân công rẻ. Hơn nữa, một nguyên nhân khác là các công ty không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào một quốc gia nào đó – điều này đặc biệt rõ rệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là một ngày nào đó các công ty cũng có thể rời Việt Nam để đi đến một nơi khác có lao động giá rẻ hơn. Bạn biết đấy, chất lượng cuộc sống ở Việt Nam đang dần cải thiện. Nhưng đó không phải là vấn đề tiêu cực mà tôi cho rằng đó là tín hiệu tốt. Những việc làm gia công đồ may mặc, giày dép có giá trị gia tăng thấp rời đi nhưng sẽ được thay thế bằng những mặt hàng có giá trị cao hơn như đồ điện tử, hoặc vẫn là những mặt hàng đó nhưng là hàng cao cấp hơn.

Đó cũng là diễn biến thông thường của quá trình phát triển kinh tế, mặc dù trong tương lai với việc ứng dụng những công nghệ như robot và AI thì vai trò của chi phí nhân công sẽ giảm đi đáng kể.

Cựu cố vấn cấp cao của CIEM Raymond Mallon: 4 nhân tố để Việt Nam nhảy vọt và trở thành 'ngôi sao' thu hút FDI

Gần đây Việt Nam đã thu hút được rất nhiều dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam còn được đánh giá là có cơ hội trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này?

Hiện các mặt hàng điện tử đã chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhìn lại những gì đã diễn ra ở một số nước Đông Á thì diễn biến tiếp theo sẽ là sản xuất chip và các linh kiện ngay tại Việt Nam.

Có rất nhiều “tay chơi” lớn đang quan tâm đến Việt Nam. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là Chính phủ tiếp tục thảo luận hiệu quả với các nhà sản xuất, tìm ra các điểm nghẽn và giải quyết chúng. Tất nhiên quá trình đó vẫn đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như lợi ích từng cá nhân, nhưng nhìn chung là Việt Nam đang rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, một số công ty Việt Nam cũng đã dấn thân vào lĩnh vực công nghệ mới. Ví dụ như FPT hợp tác với các công ty Nhật Bản để sử dụng big data ứng dụng trong robot hay hợp tác với cả Airbus. Họ đang phát triển rất nhanh và có rất nhiều cơ hội cho các công ty xuất khẩu dịch vụ.

Một trong những điểm khiến Việt Nam khác biệt với các nước Đông Nam á là ngành sản xuất của các bạn đi theo mô hình của các nền kinh tế Đông Á. Sản xuất công nghiệp giờ đã bão hòa, lĩnh vực tiềm năng tiếp theo là dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, lập trình máy tính, big data… Hy vọng rằng Việt Nam sẽ tận dụng thật tốt cơ hội để bứt phá.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!