Đại biểu Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, nội dung “thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phù hợp với khả năng ngân sách và thẩm quyền quản lý của cán bộ, công chức theo phân cấp” khó khả thi trên thực tế.

Theo đó, việc tuyển dụng, thu hút người tài năng vào làm việc sẽ trở nên khó khăn do không đủ nguồn kinh phí để chi trả.

Đại biểu Bình chỉ ra thực tế rằng, mức lương 6,8 triệu đồng/tháng cho cán bộ, công chức mới vào làm, bao gồm cả 25% tiền công vụ, chưa tính các bảo hiểm phải chi trả như thế thì không đủ để trang trải chi phí cho cuộc sống tối thiểu, chưa kể có thêm vợ hoặc chồng, con, đặc biệt là sống ở các thành phố lớn thì khả năng khó khăn hơn rất nhiều.

Đại biểu Bình bày tỏ quan điểm: “Như thế thì không thể thu hút được người tài năng vào các cơ quan làm việc để cống hiến và khi so sánh với mức thu nhập thực tế ở các khu vực tư nhân, các tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chênh lệch thu nhập có thể gấp từ 3 đến 10 lần, khiến người tài năng có thể dễ dàng lựa chọn khu vực ngoài Nhà nước”.

Đại biểu cho biết thêm, chúng ta đã có Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, với định hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra rằng, đến nay việc triển khai thực hiện còn chậm do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là khó khăn về nguồn lực ở các cấp, các ngành. Nếu không sớm áp dụng hệ thống tiền lương mới sẽ khó tạo môi trường lành mạnh, cạnh tranh minh bạch, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của bộ máy công vụ.

Đại biểu đề nghị, Quốc hội sớm giám sát chặt chẽ tiến trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, bảo đảm triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để từng bước xây dựng chế độ tiền lương gắn với vị trí việc làm, hiệu quả công việc và năng lực cá nhân.

Đại biểu Quốc hội: Mức lương 6,8 triệu đồng/tháng không đủ để cán bộ trang trải chi phí cho cuộc sống tối thiểu
Đại biểu Trịnh Bình Minh phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn thu hút và giữ chân nhân tài, không chỉ là những ưu đãi về tiền lương, điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, tin tưởng và trọng dụng.

Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã quy định: "Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ".

Nhấn mạnh vào “chính sách đặc biệt”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, cần nhìn nhận rõ, tài năng trong hoạt động công vụ là dạng tài năng rất đặc thù. Không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức, mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quy định rõ một số cơ chế then chốt liên quan đến phát hiện và trọng dụng nhân tài. Cụ thể, thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ, chứ không dựa vào hình thức, quy trình.

Bên cạnh đó, cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới. Trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài; đồng thời đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá khách quan.