Đạm Cà Mau (DCM) và hai kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh năm 2024
Châu Á đang là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Đạm Cà Mau

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (Mã DCM - HoSE) cho biết sẽ hoàn tất việc mua lại công ty sản xuất NPK Hàn-Việt (KVF) trong quý I/2024, với tổng giá trị đầu tư là 600 tỷ đồng. Việc mua lại giúp công ty tận dụng được kênh phân phối của KVF tại thị trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đồng thời tiết kiệm được chi phí lưu kho và gia tăng công suất sản xuất NPK lên đến 660 nghìn tấn/năm.

Trong khi mảng NPK sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu sau khi sáp nhập nhà máy NPK Hàn-Việt thì việc nhà máy ure hết khấu hao được kỳ vọng là động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận năm 2024.

Trong năm 2024, dự kiến Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Với mặt hàng phân bón chuyển từ đối tượng không chịu thuế sang chịu thuế VAT 5%, các nhà sản xuất phân bón nội địa sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn với phân bón nhập khẩu nhờ giảm giá thành.

Đạm Cà Mau kỳ vọng mảng Urê duy trì tỷ lệ thị phần nội địa từ 30-35%/năm, sản phẩm NPK phấn đấu đáp ứng từ 10-20% thị phần trong nước và tập trung chiếm lĩnh thị trường (mục tiêu ít nhất 30%).

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, sản lượng kinh doanh 2024 của DCM tăng lên 280.000 tấn trong đó 180.000 tấn tiêu thụ của DCM và 100.000 tấn tăng thêm thông qua kênh tiêu thụ của KVF. Doanh thu dự phóng tăng 103% so với cùng kỳ, đạt 3.408 tỷ đồng với giả định giá bán trung bình 2023 duy trì ổn định sang năm 2024.

Mặc dù vậy, hiện tại giá thành sản xuất Urê của DCM so với một số nước trên thế giới vẫn khá cao. Thêm vào đó, hoạt động logistic trong chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa phân bón từ nhà máy Đạm Cà Mau đến nhiều thị trường trong nước thực hiện bằng đa phương thức làm phát sinh chi phí logistic không hề nhỏ cho doanh nghiệp.