Dấu ấn doanh nghiệp 2.400 nhân sự từng được Bác Hồ về thăm: Hai thập kỷ tăng trưởng trên 'đất vàng' Thủ đô

Đại hồng thủy của hàng hóa và sức ép 4.0

Quý I/2025, CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Mã RAL – HoSE) - doanh nghiệp sản xuất 2.400 nhân sự - công bố kết quả kinh doanh với nhiều con số khiến thị trường chú ý. Doanh thu chỉ đạt 1.528 tỷ đồng – giảm 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm gần 50% còn 100,9 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhiều ngành hàng chịu sức ép, những con số này có thể là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều khiến người ta quan tâm không chỉ là sự sụt giảm mà là cách Rạng Đông phản ứng trước làn sóng khốc liệt ấy.

Doanh nghiệp cho biết, “cơn đại hồng thủy” hàng hóa giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc, cùng làn sóng các công ty nước ngoài chuyển đầu tư vào Việt Nam đã khiến thị trường tiêu dùng trong nước biến động mạnh. Chưa dừng ở đó, các tập đoàn bán lẻ ngoại với mô hình kinh doanh hiện đại, tổ chức bài bản và nền tảng O2O đang chiếm lĩnh thị trường hơn 100 triệu dân, thu hút chính người tiêu dùng truyền thống của Rạng Đông.

Thống kê cho thấy số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng gia tăng: Năm 2023 có 172.000 doanh nghiệp rời cuộc chơi; năm 2024 là 198.000; chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, con số đã lên tới 67.000 – gấp đôi bình quân năm trước. Đó là chưa kể đến tác động sâu sắc từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – đặc biệt là AI, 5G và năng lượng tái tạo – đang làm thay đổi hoàn toàn cách sản phẩm được sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Không chọn lùi lại, Rạng Đông chọn bước tiếp

Thay vì thu mình phòng thủ, Rạng Đông bước vào giai đoạn "tái định nghĩa chính mình".

Ngay trong quý I/2025, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác chiến lược với VinFast Energy – một cái bắt tay mang tính biểu tượng về chuyển đổi năng lượng và công nghệ. Hai bên sẽ cùng phát triển các hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến (BESS) tích hợp giải pháp chiếu sáng thông minh, tối ưu hóa năng lượng và nâng cao trải nghiệm người dùng – một phần trong tầm nhìn xanh hóa, số hóa và thông minh hóa sản phẩm.

Trước đó, Rạng Đông đã triển khai 3 đề án Khoa học công nghệ theo Nghị quyết 57-NQ/TW, tổ chức Rạng Đông Techday, cùng các cuộc thi ứng dụng RPA, AI vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, nhiều năm qua, công ty luôn duy trì việc trích lập 15% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ Phát triển KHCN và 7,5% cho Quỹ Đầu tư mạo hiểm – một quyết định hiếm thấy ở các doanh nghiệp niêm yết.

Dấu ấn doanh nghiệp 2.400 nhân sự từng được Bác Hồ về thăm: Hai thập kỷ tăng trưởng trên 'đất vàng' Thủ đô
Lịch sử chi trả cổ tức những năm gần đây của RAL

Không chỉ vậy, điều khiến Rạng Đông khác biệt còn nằm ở mô hình sở hữu. Kể từ khi cổ phần hóa năm 2004, công ty trở thành hình mẫu đặc biệt: 96% cán bộ công nhân viên được mua cổ phần, trong đó công đoàn hiện nắm giữ tới 40,2% vốn điều lệ (cổ đông lớn nhất). Điều đó có nghĩa là người Rạng Đông đang làm chủ vận mệnh của mình.

Cùng với mức thu nhập bình quân 14,5 triệu đồng/người/tháng, người lao động RAL còn được hưởng cổ tức đều đặn, chi trả lên tới 50% lợi nhuận bằng tiền/năm. Cổ tức – ở đây – không chỉ là quyền lợi tài chính, mà là minh chứng cho một triết lý nhân sự lấy con người làm gốc.

Một “RAL” kiên cường từ bom đạn đến thị trường toàn cầu

Thành lập từ năm 1961 - chỉ 3 năm sau khi xây dựng nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông - RAL từng là nạn nhân bị bom Mỹ đánh phá vào năm 1972, suýt phá sản trong giai đoạn 1987–1989. Nhưng rồi, bằng bản lĩnh và tâm thế người Việt, năm 2000 Rạng Đông vinh dự được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây cũng là gương mặt tiêu biểu từng vinh dự đón Bác Hồ, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.. về thăm nhà máy.

Dấu ấn doanh nghiệp 2.400 nhân sự từng được Bác Hồ về thăm: Hai thập kỷ tăng trưởng trên 'đất vàng' Thủ đô
Nguồn: Báo cáo thường niên 2024 của RAL

Trong suốt hơn 6 thập kỷ, doanh nghiệp duy trì bản sắc riêng với triết lý “6T – 4 Cùng”: Tận tâm, Tận lực, Tự giác, Tự tin, Tự trọng, Trung thực; Cùng hướng nhìn, Cùng tấm lòng, Cùng làm, Cùng hưởng. Những triết lý tưởng chừng giản dị ấy lại là kim chỉ nam cho chặng đường 25 năm tăng trưởng gần như liên tục, để từ một doanh nghiệp quốc doanh chuyển mình thành thương hiệu dân tộc mạnh mẽ trên sàn chứng khoán.

Dấu ấn doanh nghiệp 2.400 nhân sự từng được Bác Hồ về thăm: Hai thập kỷ tăng trưởng trên 'đất vàng' Thủ đô
Nguồn: Báo cáo thường niên 2024 của RAL

Dù vốn điều lệ khiêm tốn (gần 235,5 tỷ đồng), từ ô "đất vàng" tại Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Rạng Đông hiện đã xây dựng mạng lưới phân phối khổng lồ với hơn 24.000 điểm bán hàng toàn quốc. Quy mô tài sản đến cuối tháng 3/2025 đạt gần 8.100 tỷ.

Chưa dừng lại, từ năm 2024, công ty bước vào một giai đoạn mới: Chuyển mình vươn lên cùng dân tộc, đồng hành với mục tiêu đưa Việt Nam thành nước thu nhập cao. Sản xuất xanh, chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu là ba trụ cột trong chiến lược mới.

Trong năm này, doanh thu xuất khẩu của RAL đạt 931 tỷ đồng, sản phẩm có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên 5 châu lục. Đặc biệt, thị phần tại các thị trường G7/G20 như Mỹ (tăng trưởng 300%), Hàn Quốc (tăng 60%) đang mở ra một kỳ vọng mới cho hành trình toàn cầu hóa.

Từ một nhà máy gắn liền với thời khói lửa, đến một doanh nghiệp niêm yết tầm vóc quốc gia, Rạng Đông đang viết tiếp chương mới bằng công nghệ, bằng năng lượng xanh, và bằng niềm tin vào chính con người Việt Nam. Giữa những con sóng dữ của thị trường, có lẽ điều đáng kể nhất là: họ vẫn bước tiếp – và không ngừng đổi mới.