Xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt: Đã đến lúc phải “ra biển lớn”
Ngày 5/5, Thời báo Ngân hàng đã tổ chức Diễn đàn “Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý với hệ thống ngân hàng” tại Hà Nội. Sự kiện thu hút hơn 150 đại biểu từ Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức tài chính quốc tế cùng chuyên gia trong và ngoài nước, đặt trọng tâm vào chiến lược phát triển thương hiệu ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030, mục tiêu đặt ra là đưa từ 2–3 ngân hàng Việt lọt vào Top 100 ngân hàng mạnh nhất khu vực và có từ 1–2 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu là nhiệm vụ chiến lược để nâng cao vị thế quốc gia. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển sản phẩm theo chuẩn quốc tế, và yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược thương hiệu gắn liền với định hướng phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Brand Finance năm 2025, Việt Nam hiện có 13 ngân hàng lọt vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất thế giới – một tín hiệu tích cực cho thấy nội lực của ngành đang dần được khẳng định.
![]() |
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng) |
Tại diễn đàn, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng – bà Lê Thị Thúy Sen – đưa ra một nhận định sâu sắc: “Một ngân hàng hoạt động tốt mà không biết cách làm thương hiệu thì sẽ lãng phí giá trị và ngược lại. Ngân hàng cần nhìn nhận tầm quan trọng của thương hiệu như một giá trị to lớn. Thương hiệu chính là nguồn lực, giá trị của ngân hàng. Muốn thương hiệu vươn tầm quốc tế thì chiến lược phát triển thương hiệu cũng phải có tầm vóc quốc tế”.
Theo bà Sen, thương hiệu mạnh chỉ có thể xây dựng từ sự thống nhất giữa “nội dung” – năng lực cốt lõi, uy tín hoạt động – và “hình thức” – cách doanh nghiệp truyền tải thông điệp ra bên ngoài. Vì thế, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa tinh hoa tri thức toàn cầu về quản trị thương hiệu về Việt Nam.
Điểm nhấn của diễn đàn là sự hiện diện của hai chuyên gia tầm cỡ thế giới – GS. John Quelch, từng là Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, và ông Peter Verhoeven, cựu lãnh đạo các ngân hàng lớn như Deutsche Bank, Citibank và Standard Chartered. Cả hai vừa chính thức nhận lời tham gia Hội đồng Cố vấn cấp cao của Tạp chí Ngân hàng.
Thương hiệu xây dựng từ niềm tin và chiến lược rõ ràng
Trong phần trình bày, GS. John Quelch – “phù thủy thương hiệu” – nhấn mạnh rằng thương hiệu ngân hàng cần bắt đầu từ việc hoàn thành lời hứa với khách hàng một cách nhất quán. Theo ông, “ngân hàng không cần sản phẩm tốt nhất thị trường, mà cần sản phẩm phù hợp với kỳ vọng thực tế của nhóm khách hàng mục tiêu”.
Giáo sư Quelch cũng dẫn chứng nhiều trường hợp thành công toàn cầu, cho thấy thương hiệu mạnh thường không đến từ những chiến dịch hào nhoáng, mà từ việc kiên định giữ vững chất lượng dịch vụ và tạo ra giá trị thiết thực cho khách hàng.
Cùng quan điểm, ông Peter Verhoeven cho rằng, niềm tin là nền móng của mọi thương hiệu ngân hàng. Để củng cố niềm tin này, các ngân hàng cần cải thiện năng lực quản trị nội bộ, tuân thủ các chuẩn mực an toàn như Basel III, tiến tới Basel IV, đồng thời liên tục đổi mới để nâng cao trải nghiệm người dùng.
ông Verhoeven chia sẻ, trong thời đại số, khách hàng kỳ vọng nhiều hơn ở sự tiện lợi, tốc độ, và tính cá nhân hóa. Hành trình trải nghiệm dịch vụ ngân hàng phải được thiết kế mạch lạc, dễ tiếp cận, và thực sự tạo giá trị.
![]() |
Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng bà Lê Thị Thuý Sen và “phù thủy thương hiệu” GS. John Quelch. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng) |
Không chỉ dừng ở lĩnh vực ngân hàng, diễn đàn còn ghi nhận những chia sẻ từ bà Thái Hương – Tổng Giám đốc BAC A BANK, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH. Theo bà, thương hiệu bền vững phải gắn với giá trị cộng đồng và sự thật – giống như phẩm hạnh con người.
Bà nhấn mạnh: “Thương hiệu muốn phát triển bền vững và đi đường dài, đặc biệt trong ngành thực phẩm thì giá trị cốt lõi phải là giá trị cộng đồng, giống như phẩm hạnh của con người - sự thật là yếu tố quan trọng nhất, cùng với công nghệ tiên tiến”.
Thông qua diễn đàn lần này, Thời báo Ngân hàng không chỉ đặt ra câu hỏi về chiến lược xây dựng thương hiệu ngân hàng trong nước, mà còn đưa ra một lời hiệu triệu rõ ràng: Đã đến lúc ngân hàng Việt cần tư duy toàn cầu để hành động toàn cầu.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường tài chính quốc tế, thương hiệu không còn là “phần trang trí” mà là tài sản cốt lõi. Việc xây dựng một thương hiệu ngân hàng Việt Nam vững mạnh, đáng tin cậy, và có tầm vóc quốc tế chính là bước đi cần thiết để ngành ngân hàng góp phần nâng tầm thương hiệu quốc gia.