Hơn 1 triệu USD tờ khai xuất khẩu bị hủy dù được gia hạn thuế
Ngay sau khi thông tin về việc Mỹ áp thuế nhập khẩu và thuế đối ứng lan rộng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này đã bất lực phải hủy tờ khai hải quan do không thể đạt được thỏa thuận với đối tác.
Ngày 23/4, thông tin từ Chi cục Hải quan khu vực 2 cho biết, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 4, đã có 42 tờ khai xuất khẩu đi Mỹ bị hủy với tổng giá trị trên 1,1 triệu USD. Dù được tạo điều kiện thuận lợi và gia hạn thuế đối ứng thêm 3 tháng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thậm chí tạm dừng đơn hàng để chờ đợi chính sách thuế mới từ Mỹ.
"Thủ phủ" công nghiệp Bình Dương cũng không ngoại lệ. Thống kê đến ngày 10/4 cho thấy, 31 doanh nghiệp trong tỉnh đã bị hủy đơn hàng, với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ nội thất, dệt may, giày dép, thiết bị điện tử và nhựa chịu tác động nặng nề nhất.
Trước đó, quyết định hoãn áp thuế đối ứng của ông Trump, đặc biệt là việc giảm thuế xuống 10% (trừ Trung Quốc) vào ngày 9/4, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chạy "nước rút" tận dụng từng ngày để hoàn tất và giao hàng lên tàu trước cuối tháng 6, kỳ vọng hàng đến tay đối tác Mỹ trước khi thời hạn hoãn thuế kết thúc. Tuy nhiên, mức thuế 10% hiện tại vẫn là rào cản lớn, khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu khó khăn trong việc đưa hàng đi khi đối tác Mỹ yêu cầu chia sẻ gánh nặng thuế này.
![]() |
Một số doanh nghiệp có tờ khai xuất khẩu tới Mỹ đã phải hủy tờ khai hải quan vì không đàm phán được. |
Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất và xuất khẩu lâm sản Sài Gòn, chỉ rõ bài toán khó khăn của ngành gỗ: lợi nhuận vốn đã eo hẹp do cạnh tranh gay gắt. Việc Mỹ áp thuế 10% ngay lập tức khiến đối tác Mỹ gây áp lực, đề xuất chia sẻ khoản thuế này. Thậm chí, nhiều đơn hàng FOB đã ký bị yêu cầu chuyển sang DDP, đẩy toàn bộ rủi ro thuế lên vai doanh nghiệp Việt. Trong bối cảnh chính sách thuế còn bất định ở cấp chính phủ, doanh nghiệp không dám mạo hiểm quyết định giá bán đã bao gồm thuế.
"Giải pháp trước mắt của nhiều doanh nghiệp là tạm ngưng các đơn hàng chưa thống nhất được phương thức mua bán để tập trung vào các đơn hàng khác, bởi "kinh doanh mà không có đồng lãi nào thì chúng tôi không làm", vị này nói.
Một doanh nghiệp da giày xuất khẩu tại Bình Dương, ngậm ngùi xác nhận tình trạng bị hủy đơn hàng do đối tác Mỹ từ chối chi trả thêm 10% thuế có hiệu lực từ ngày 2/4. Chủ doanh nghiệp này ví von tình cảnh hiện tại như "ngồi trên lửa" khi nỗ lực đàm phán lại với đối tác không thành. Dù 90 ngày hoãn thuế được xem là thời gian vàng để chạy đua xuất khẩu, nhưng nhà nhập khẩu Mỹ kiên quyết rằng giá đã sát thị trường và không thể gánh thêm chi phí thuế. Đáng lo ngại hơn, các đơn hàng giao sau tháng 7 cũng bị hủy bỏ, đẩy doanh nghiệp vào tình thế không biết làm gì tiếp trong quý 3 và quý 4.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, thẳng thắn chia sẻ về sự bấp bênh của việc thay đổi mức thuế 46% từ thời ông Trump, khiến Vina T&T phải chạy hàng gấp rút. Doanh nghiệp đang trong thế "ván bài" khi không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày hoãn thuế. Nếu thuế tăng trở lại, mọi nỗ lực hiện tại có thể trở nên vô nghĩa.
Bên cạnh niềm vui ngắn hạn, ông Tùng cũng bày tỏ lo ngại về áp lực logistics, bốc dỡ, cảng biển... tại Mỹ trong 90 ngày tới. Ông dự đoán lượng hàng hóa từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, sẽ đồng loạt đổ về Mỹ, có nguy cơ gây ra tình trạng rối loạn tạm thời trong khâu vận chuyển và xử lý hàng hóa.
Biến áp lực thành động lực
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận rằng, những biến động chính sách này đã làm đảo lộn hoàn toàn các kế hoạch đã được vạch ra cho năm 2025, đòi hỏi sự linh hoạt và ứng biến nhanh chóng. Ông Tùng không giấu được sự bất an về tương lai sau 90 ngày hoãn thuế. Kịch bản xấu nhất là chính sách không thay đổi, và điều này đang buộc Vina T&T phải liên tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho năm 2025, thậm chí là "thay đổi theo từng tuần" để ứng phó với sự bất định.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhấn mạnh 90 ngày tới là cơ hội để Việt Nam và Mỹ tìm kiếm giải pháp "win-win". Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thách thức lớn từ biên lợi nhuận vốn đã rất hẹp của các ngành dệt may, giày da và gỗ. Bất kỳ mức thuế tăng thêm nào, dù chỉ một phần trăm, cũng sẽ gây áp lực không nhỏ lên cả doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu Mỹ.
"Phải "co kéo", tính toán lại chi phí, thu hẹp biên độ lợi nhuận, và thậm chí chấp nhận không có lợi nhuận trong một số giai đoạn. Mục tiêu hàng đầu hiện tại là giữ vững đơn hàng, đảm bảo dòng chảy sản xuất trong bối cảnh chính sách thuế đầy biến động", ông Hoài nhìn nhận.
Với tầm nhìn dài hạn, ông Hoài ví ngành gỗ Việt Nam như người leo núi đạt đến đỉnh cao, cần có khoảnh khắc nhìn lại và thậm chí lùi bước để vạch ra lộ trình tiếp theo. Ông nhấn mạnh rằng, nhu cầu về sự thay đổi trong ngành đã trở nên cấp thiết, mở ra một giai đoạn tái cấu trúc và định hướng phát triển mới.
Công ty Chứng khoán KBSV đánh giá rằng, sự thay đổi bất ngờ và thiếu nhất quán trong các tuyên bố về thuế của ông Trump đã tạo ra một "khoảng trống" thời gian vô giá cho các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam chủ động triển khai các biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng trong quan hệ thương mại song phương và tiến hành đàm phán để giảm thiểu mức thuế áp dụng.
Tại buổi họp Thường trực Chính phủ diễn ra đầu tuần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tận dụng thời cơ từ biến động thương mại toàn cầu để Việt Nam tiến hành tái cấu trúc toàn diện. Cụ thể, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng xuất khẩu, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, thúc đẩy phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, tuần hoàn, tri thức và chia sẻ. Quá trình này phải dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, nhằm đón đầu xu hướng phát triển của thế giới.
Không chỉ từ phía Chính phủ, các hiệp hội và chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đều nhìn nhận những áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ chính là chất xúc tác, mở ra cơ hội “nâng tầm” doanh nghiệp Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam. Đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
![]() |
3 vấn đề cấp thiết mà doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ ngay lập tức: chính sách thuế, lãi suất ngân hàng và việc giãn thời gian trả nợ. |
Ba "trụ cột" vực dậy doanh nghiệp: Thuế, lãi suất, giãn nợ
Tại chương trình Bàn tròn Chính sách, mới đây, bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức, Công ty VNDIRECT cho rằng, 3 vấn đề cấp thiết mà doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ ngay lập tức: chính sách thuế, lãi suất ngân hàng và việc giãn thời gian trả nợ. Giải quyết được ba yếu tố này sẽ tạo ra động lực lớn giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường, cho rằng trong bối cảnh nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa đáng kể. Việc giảm hoặc miễn thuế cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là một biện pháp hỗ trợ thiết thực và hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam.
Chỉ rõ ưu điểm của biện pháp thuế so với đầu tư công, ông Cường đánh giá, trong khi đầu tư công thường vướng phải nhiều thủ tục phức tạp, chính sách thuế có khả năng tác động trực tiếp và ngay lập tức đến hoạt động của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả hỗ trợ nhanh chóng hơn.
Về phía Chính phủ, bên cạnh chuẩn bị tốt các nội dung để đàm phán với Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vừa thúc đẩy phát triển, vừa quản lý và bảo vệ sản xuất, nhất là về xuất xứ hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái…
Việt Nam đang triển khai đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các nỗ lực bao gồm: rà soát cơ chế hoàn thuế, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ theo Nghị quyết 66, thành lập Cổng đầu tư một cửa quốc gia và các trung tâm xúc tiến đầu tư. Mục tiêu là thu hút đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực công nghệ cao, dài hạn, bền vững, chú trọng chuyển giao công nghệ, phát triển nhân lực, R&D và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những chính sách này không chỉ gỡ khó trước mắt mà còn hướng đến mục tiêu xa hơn: xây dựng nền tảng vững chắc, từng bước khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo đà cho sự phát triển bền vững và bứt phá trong tương lai.