Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thông báo về việc huỷ đăng ký chứng khoán một phần do giảm vốn điều lệ của tổ chức đăng ký.

Theo đó 2 triệu cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG sẽ bị huỷ đăng ký giao dịch. Số cổ phiếu SIP còn lại 90.904.146 cổ phiếu tương ứng tổng giá trị chứng khoán đăng ký còn lại hơn 909 tỷ đồng.

Nguyên nhân huỷ đăng ký giao dịch vì công ty giảm vốn điều lệ do hủy cổ phiếu quỹ.

Trước đó tháng 11/2022 Đầu tư Sài Gòn VRG thông báo đã hoàn tất mua lại 2 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ theo đúng số lượng đăng ký. Trước giao dịch này đầu tư Sài Gòn VRG không có cổ phiếu quỹ nào.

Giá mua lại bình quân 104.710,6 đồng, tương ứng tổng giá trị hơn 209,4 tỷ đồng. Nguồn vốn mua lại lấy từ thặng dư vốn cổ phần (31,29 tỷ đồng), từ vốn khác thuộc chủ sở hữu (19,5 tỷ đồng) và từ quỹ đầu tư phát triển (158,6 tỷ đồng). Giao dịch thực hiện từ 20/10 đến 10/11/2022.

Sau khi mua xong cổ phiếu quỹ, công ty tiến hành huỷ đăng ký giao dịch, giảm vốn điều lệ theo quy định.

Đáng chú ý, thời điểm công ty mua cổ phiếu quỹ 20/10 đến 10/11 cổ phiếu SIP bắt đầu đà giảm mạnh. Nếu lùi lại trước đó từ cuối tháng 8/2022 cổ phiếu SIP đang ở trên mức 140.000 đồng/cổ phiếu thì đã giảm về quanh vùng 100.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 10 – đó cũng là thời điểm công ty quyết định mua cổ phiếu quỹ.

SIP chính thức xuyên thủng mốc 100.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 31/10/2022 và đà giảm tiêp nối. Hiện tại SIP hồi phục nhẹ về vùng giá 68.600 đồng/cổ phiếu.

Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) huỷ đăng ký 2 triệu cổ phiếu do giảm vốn điều lệ

Đầu tư Sài Gòn VRG được thành lập tháng 10/2007. Công ty chính thức đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn Upcom từ tháng 6/2019 với mã chứng khoán SIP, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.200 đồng/cổ phiếu. Hiện ngành nghề kinh doanh chính của công ty là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản, khu dân cư…

SIP để lại nhiều ấn tượng với nhà đầu tư về giá cổ phiếu. Không tăng ngay từ đầu, nhưng chỉ mấy phiên sau khi lên sàn dừng ở giá tham chiếu, SIP đã có chuỗi 9 phiên tăng trần liên tiếp và nhanh chóng đạt mức giá 3 chữ số chỉ hơn 1 tháng sau đó, rất nhiều lãnh đạo công ty bán cổ phiếu chốt lãi. Thậm chí năm 2021 cổ phiếu SIP có lúc tăng vọt, đạt vùng giá 230.000 đồng/cổ phiếu.

Tháng 12/2020 Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam cũng bán ra hơn 9,3 triệu cổ phiếu ở vùng giá 141.000 đồng/cổ phiếu, thành công thoái vốn ở vùng giá cao thu về khoản tiền lớn. Trước đó Tập đoàn Công nghiệp cao su việt Nam kỳ vọng thoái vốn ở mức giá khởi điểm chưa đến 100.000 đồng/cổ phiếu.

Với thị giá thường xuyên duy trì ở vùng 3 chữ số từ mấy năm nay, SIP được xem là một trong những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.

Đầu tư sài Gòn VRG cũng là một trong những doanh nghiệp thường xuyên báo lãi lớn. Năm 2021 dù ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Cocid-19, doanh thu cũng đạt 5.577 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020. Còn lợi nhuận sau thuế giảm 19% về mức 909 tỷ đồng. EPS giảm từ 11.040 đồng xuống còn 8.992 đồng.

Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) huỷ đăng ký 2 triệu cổ phiếu do giảm vốn điều lệ

BCTC quý 3/2022 ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 đạt 4.595 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy chi phí tăng cao nên lợi nhuận sau thuế còn 700 tỷ đồng, giảm 4,6% so với số lãi 734 tỷ đồng đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.