Trong dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia mới về phương tiện giao thông đường bộ, Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng giới hạn tiêu thụ nhiên liệu đối với ôtô, xe máy nhằm hiện thực hóa cam kết khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hai phương pháp chính được đưa ra là: giới hạn tiêu thụ nhiên liệu theo từng dòng xe (MEPS – Minimum Energy Performance Standards), và tính mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của toàn bộ lượng xe một hãng sản xuất (CAFC – Corporate Average Fuel Consumption).

Cụ thể, mức giới hạn theo MEPS phụ thuộc vào trọng lượng xe. Chẳng hạn, xe dưới 610 kg chỉ được tiêu thụ tối đa 4,8 lít/100 km, xe dưới 750 kg là 5,6 lít/100 km và tăng dần theo khối lượng. Với phương pháp CAFC, mức tiêu thụ nhiên liệu được tính trung bình trên tất cả các dòng xe mà doanh nghiệp bán ra trong năm. Trong đó, xe thuần điện được quy về mức tiêu thụ bằng 0 – một lợi thế rõ rệt cho các hãng đầu tư xe xanh.

Điểm mới đáng chú ý là nếu doanh nghiệp vượt quá mức tiêu thụ trung bình cho phép, họ phải mua tín chỉ bù trừ từ các hãng xe khác có mức tiêu thụ nhiên liệu dưới ngưỡng.

Song song đó, doanh nghiệp phải cam kết giảm mức tiêu thụ trung bình trong những năm tiếp theo, bằng cách đổi mới công nghệ, dừng sản xuất xe “ngốn xăng” hoặc tăng tỷ lệ xe tiết kiệm nhiên liệu.

Dự thảo cũng quy định chế tài mạnh tay: nếu sau 3 năm liên tiếp một doanh nghiệp vẫn không điều chỉnh được mức tiêu thụ nhiên liệu về ngưỡng quy định, họ sẽ bị buộc dừng hoạt động sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu cho đến khi có phương án phù hợp được cơ quan chức năng phê duyệt.

Đề xuất hãng xe vượt trần tiêu thụ nhiên liệu phải mua tín chỉ bù trừ từ hãng xe khác
Hãng xe vượt trần tiêu thụ nhiên liệu sẽ phải mua tín chỉ bù trừ (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, ngành giao thông vận tải hiện phát thải khoảng 30 triệu tấn CO₂ mỗi năm, trong đó vận tải đường bộ chiếm đến 85%. Chỉ riêng việc áp dụng giới hạn tiêu thụ nhiên liệu với xe mới đã có thể giúp giảm tới 34,33% lượng khí thải của toàn ngành, theo Bộ Xây dựng.

Biện pháp này là một trong 10 nhóm giải pháp được Việt Nam đưa ra trong bản cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022, đóng vai trò quan trọng trong lộ trình đạt Net Zero vào năm 2050

Cơ chế “mua bán tín chỉ tiêu thụ nhiên liệu” có thể là bước đệm để hình thành thị trường tín chỉ môi trường trong ngành giao thông – lĩnh vực phát thải lớn nhưng chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả suốt nhiều năm qua.