Ngày 23/1, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV), đã công bố kết quả của đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Theo đó, số lượng cổ phiếu chào bán là 82.337.587 được thực hiện thông qua phương thức hiện quyền cho cổ đông hiện hữu. Dự kiến, việc chuyển giao cổ phiếu sẽ diễn ra trong tháng 2.

Số tiền thu được sẽ bổ sung nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của công ty.

Cụ thể, HHV sử dụng 141,7 tỷ đồng đầu tư vào các doanh nghiệp dự án. Trong đó, hơn 108 tỷ đồng được đầu tư vào CTCP Đầu tư Đèo Cả và hơn 33,5 tỷ đồng góp cho CTCP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.

Số tiền còn lại, HHV sử dụng hơn 681,6 tỷ đồng (82,78% số vốn huy động đợt này) để bổ sung vốn phục vụ cho các hoạt động của công ty. Bao gồm thanh toán khoản vay ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng (150 tỷ đồng), mua sắm máy móc thiết bị và phương tiện vận tải (331,6 tỷ đồng), và bổ sung nguồn vốn lưu động để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty (200 tỷ đồng), bao gồm thanh toán công nợ nhà thầu phụ, mua nguyên vật liệu, vật tư thiết bị, tạm ứng nhà thầu/nhà cung cấp và các chi phí khác phát sinh.

Đèo Cả (HHV) làm gì với gần 830 tỷ đồng thu được từ bán cổ phiếu?
Hầm đường bộ Đèo Cả

Trong năm 2023, HHV đã liên tục thành công trong việc trúng thầu các dự án lớn như cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, nâng cấp mở rộng đèo Prenn, đường ven biển Bình Định và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.

Về hoạt động đầu tư, trong giai đoạn 2023 - 2025, HHV đã đề xuất đầu tư gần 400 km đường cao tốc, bao gồm Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP. HCM - Chơn Thành và vành đai 4 qua tỉnh Bình Dương, với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng theo phương thức PPP đã nhận được sự phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ và đã khởi công vào đầu năm 2024.