Theo Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), danh sách cảng hàng không, sân bay trong cả nước gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Điện Biên, Thọ Xuân và Vân Đồn.

Theo đó, Kiên Giang là tỉnh duy nhất có hai sân bay: Rạch Giá và Phú Quốc. Sân bay Rạch Giá cách trung tâm thành phố Rạch Giá 7km về phía Đông Nam, hiện có các đường bay nối Rạch Giá với TP. HCM và Phú Quốc. Trong khi đó, sân bay quốc tế Phú Quốc nằm ở phía Nam của đảo Phú Quốc, cách trung tâm thị trấn Dương Đông khoảng 10km về phía Bắc.

Sân bay quốc tế Phú Quốc là một trong những sân bay quốc tế lớn tại khu vực phía Nam. Đây là cảng hàng không kết nối đảo Phú Quốc với đất liền, phục vụ nhu cầu di chuyển của đông đảo du khách trong nước cũng như nước ngoài.

Đến thời điểm hiện tại, Kiên Giang là tỉnh duy nhất Việt Nam có 2 sân bay dân sự cùng hoạt động. Việc có 2 sân bay xuất phát từ nhu cầu đi lại, di chuyển của cư dân và đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững cho tỉnh Kiên Giang.

Bên cạnh đó, theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam hiện có 34 cảng biển (2 cảng loại đặc biệt, 11 cảng loại I, 7 cảng loại II và 14 cảng loại III) đang hoạt động. Trong đó, cảng biển Kiên Giang được xếp vào cảng biển loại III.

Địa phương duy nhất có cảng biển, sân bay nội địa và sân bay quốc tế tại Việt Nam
Kiên Giang là tỉnh duy nhất có cảng biển, sân bay nội địa và sân bay quốc tế

Như vậy, Kiên Giang là tỉnh duy nhất có cảng biển, sân bay nội địa và sân bay quốc tế. Với nhiều ưu thế về biển, hệ thống cảng biển và giao thông vận tải biển và hệ thống cảnh hàng không, kinh tế Kiên Giang có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh trong tương lại.

Mới đây, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Kiên Giang khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, khai mạc kỳ họp 20 (kỳ họp cuối năm 2023) tổng kết tình hình nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và xem xét giải quyết một số nội dung thuộc thầm quyền.

Năm 2023, tỉnh Kiên Giang có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 73.377 tỷ đồng, vượt 0,68% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng 6,79% (kế hoạch 6,5%).

Nông - lâm - thủy sản ở địa phương tăng 2,96%; công nghiệp - xây dựng, tăng 8,36%; thương mại - dịch vụ, tăng 10,02%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, tăng 5,95%; công nghiệp - xây dựng, chiếm 20,53%; dịch vụ chiếm 37,53% và thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,92%. GRDP bình quân đầu người ở địa phương ước đạt 73,74 triệu đồng, tăng 3,85% kế hoạch.

Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Kiên Giang ước đón trên 8,5 triệu lượt khách, vượt 2,8% kế hoạch, tăng 15% so cùng kỳ. Riêng khách du lịch quốc tế đạt 573.000 lượt, vượt 63,8% kế hoạch, tổng doanh thu du lịch gần 17.500 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, kinh tế tuy có phục hồi và tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhưng còn chậm. Do đó, để phát triển kinh tế xã hội trong năm 2024, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh.