Trong suốt hành trình đổi mới và hội nhập của đất nước, số lượng doanh nghiệp tư nhân tại TP.HCM bùng nổ, có những doanh nghiệp vươn lên thành những tập đoàn lớn, hoạt động đa ngành nghề.

Báo Hà Nội Mới trích dẫn thông tin từ Sở Tài chính TP.HCM cho biết, thành phố là địa phương có số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước.

Bên cạnh đó, phát biểu tại Lễ công bố và trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2025, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định, thành phố là nơi khởi nguồn và là cái nôi hình thành cộng đồng doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao. Đồng thời, TP.HCM cũng chính là nơi khởi sắc mạnh mẽ nhất của khu vực kinh tế tư nhân.

Trong năm 2024, khu vực tư nhân chiếm đến 77% cơ cấu kinh tế của thành phố. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố đạt hơn 395.000 tỷ đồng, trong đó hơn 67% đến từ khu vực kinh tế tư nhân.

Năm 2002, thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, TP.HCM có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Đến năm 2010, số doanh nghiệp tư nhân đã lên hơn 93.000 và từ giai đoạn 2010-2015 trung bình mỗi năm tăng hơn 20.000 doanh nghiệp.

Năm 2017, khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 10-NQ/TW) chính thức xác định “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,” TP.HCM đã có hơn 300.000 doanh nghiệp.

Tính đến tháng 3/2025, số lượng doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 345.560 doanh nghiệp.

Địa phương nào thu hút doanh nghiệp tư nhân nhất Việt Nam?
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Tại tọa đàm do báo Người Lao Động tổ chức với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội cho biết, tại TP.HCM, để tăng trưởng 10% thì GDP của thành phố sẽ đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư xã hội cần khoảng 660.000 tỷ đồng, trong đó khu vực tư nhân phải đáp ứng từ 420.000 đến 450.000 tỷ đồng. Giải pháp để huy động được nguồn vốn lớn như vậy là một bài toán khó.

Về giải pháp chung, đặc biệt là về thể chế, Chính phủ và Quốc hội đã đồng hành, quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách nhằm xây dựng thể chế minh bạch, công bằng. Thể chế hiện nay vẫn là điểm nghẽn lớn nhất, như Tổng Bí thư đã chỉ rõ, và cần được tập trung tháo gỡ.

Vấn đề thứ hai mà doanh nghiệp đang rất cần là hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, năng lượng và dữ liệu.

Về bộ máy công vụ, TP.HCM cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng kinh tế số và xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì dân, vì doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, kích cầu đầu tư và ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cuối cùng, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói: “Vấn đề cuối cùng là giao cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao. Nếu mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án lớn, chúng ta sẽ hạn chế nhập siêu, tận dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Cần có những giải pháp đi liền với việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.”

TP.HCM đang đứng trước cơ hội để chuyển mình trở thành trung tâm doanh nghiệp tư nhân không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Nam Á. Thành phố đã và đang triển khai nhiều chiến lược quan trọng như Đề án “Thành phố thông minh”, Đề án “Trung tâm tài chính quốc tế”... Tất cả đều nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân.