Theo báo Dân trí, tại buổi làm việc ngày 7/5 với các Sở, ngành và doanh nghiệp, ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – nhấn mạnh việc thu hồi các khoản nợ về đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh thu ngân sách đang gặp nhiều áp lực.

Theo báo cáo của Chi cục Thuế khu vực XII, tính đến ngày 5/5, toàn tỉnh còn 35 dự án khu dân cư, khu đô thị nợ tổng cộng hơn 2.080 tỷ đồng. Trong đó, tiền sử dụng đất chiếm hơn 2.011 tỷ đồng, tiền thuê đất một lần hơn 68 tỷ đồng, và tiền chậm nộp lên tới 224 tỷ đồng.

Đáng lo ngại, tỷ lệ thu tiền sử dụng đất của các tổ chức hiện mới đạt 1,8% so với dự toán năm, cho thấy sức ì lớn từ thị trường địa ốc và những vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời.

Nhiều dự án nợ đọng kéo dài từ năm 2021 đến nay, như Khu đô thị phức hợp Hà My nợ gần 80 tỷ đồng, phát sinh thêm gần 25 tỷ đồng tiền chậm nộp. Khu dân cư đô thị Điện Minh do Công ty Minh Sơn làm chủ đầu tư nợ hơn 240 tỷ đồng. Khu đô thị Phú Thịnh do Công ty Phước Nguyên đầu tư nợ gần 280 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng loạt dự án khác như KĐT Ánh Dương, An Phú, An Bình Riverside… cũng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế vì nợ kéo dài.

Một tỉnh miền Trung thu ngân sách hụt hàng nghìn tỷ do bất động sản đóng băng
Ảnh minh họa

Không chỉ chưa nộp, một số doanh nghiệp còn ứng trước hơn 500 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng đến nay các cơ quan tài chính và UBND cấp huyện vẫn chưa quyết toán. Việc chậm trễ khiến doanh nghiệp không thể ghi thu – ghi chi vào ngân sách Nhà nước, làm chậm tiến độ thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Nhiều chủ đầu tư khẳng định đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính phần lớn, phần còn lại chủ yếu là do chưa được quyết toán tiền bồi thường. Các dự án như KDC Thống Nhất, Nhị Trưng – Cồn Thu, Thiên Ân, KDC dọc đường Điện Biên Phủ nối dài… đều nằm trong nhóm bị “kẹt” vì lý do này.

Phó Chủ tịch Trần Nam Hưng cho biết tỉnh đã tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, như cho phép phân kỳ cấp sổ đỏ theo từng block, chấp thuận kéo giãn tiến độ dự án… Tuy nhiên, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, doanh nghiệp phải hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định.

Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu các trường hợp đã bị cưỡng chế hóa đơn lần thứ 3 phải nộp tiền sử dụng đất trước ngày 30/6, nếu không sẽ bị cưỡng chế thuế, thu hồi giấy phép kinh doanh.

Việc hơn 2.000 tỷ đồng "mắc kẹt" tại các dự án bất động sản không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách tỉnh mà còn phản ánh rõ nét sự đóng băng của thị trường địa ốc địa phương. Trong bối cảnh nguồn thu từ đất là "bệ đỡ" quan trọng cho đầu tư công và các chương trình an sinh xã hội, bài toán hồi phục bất động sản tại Quảng Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.