Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, thay vì cảnh mua bán tấp nập như mọi năm, nhiều sạp thịt heo tại các chợ truyền thống rơi vào tình cảnh ế ẩm, hiu hắt. “Những dịp lễ thường là thời điểm bán chạy, vì người dân mua thịt để tổ chức tiệc tùng. Nhưng khi giá thịt tăng, khách ngày càng thưa thớt. Trước kia, tôi bán vài trăm ký trong dịp lễ là bình thường, nay lấy chưa đến 30kg cũng không tiêu thụ hết”, bà Nguyễn Hải Hà, tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 5), chia sẻ.
Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm ‘chợ thịt online’, kỳ vọng bình ổn giá và minh bạch thị trường
TP.HCM đang triển khai kế hoạch thí điểm sàn giao dịch thịt heo nhằm ổn định giá cả. Ảnh minh hoạ

Khảo sát tại các chợ như Thị Nghè, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), An Dương Vương (quận 6)… cho thấy giá thịt heo dao động từ 140.000 - 250.000 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, cốt lết khoảng 150.000 - 170.000 đồng/kg, ba rọi 165.000 - 180.000 đồng/kg, nạc xay và nạc dăm cùng ở mức 150.000 - 160.000 đồng/kg. Đặc biệt, ba rọi rút xương có nơi lên tới 270.000 đồng/kg là mức giá khiến nhiều bà nội trợ phải dè dặt hơn khi chi tiêu.

Ngược lại, tại các siêu thị, lượng khách có phần nhỉnh hơn nhờ chính sách khuyến mãi. Một số sản phẩm thịt heo từ các thương hiệu như Vissan, Agrifood... đang được bán theo chương trình bình ổn giá: thịt nạc vai và thịt đùi ở mức 180.000 đồng/kg, xương bộ 88.000 đồng/kg, thịt nách 162.000 đồng/kg…

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết dịch tả heo châu Phi và bệnh lở mồm long móng bùng phát mạnh trong năm 2024 khiến tổng đàn heo cả nước sụt giảm nghiêm trọng. Đồng thời, khoảng 3.000 trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai buộc phải di dời vì không đáp ứng yêu cầu về môi trường, gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung.

“Hiện giá heo hơi dao động quanh mức 74.000 đồng/kg, tăng khoảng 7.000 đồng/kg so với trung bình năm ngoái. Mức giá này có lợi cho người chăn nuôi, nhưng trớ trêu thay, nhiều trang trại lại không còn heo để bán”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Chiến, một hộ chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) ví von: “Giờ ai có heo còn quý hơn vàng trong tay”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết việc tái đàn không dễ dàng vì nguồn heo giống khan hiếm, giá cao đến 3 triệu đồng/con, chiếm tới 30% chi phí chăn nuôi. Nếu bắt đầu tái đàn từ bây giờ, phải mất ít nhất 5 tháng mới có lứa heo xuất chuồng; còn nếu nuôi heo hậu bị, phải đợi đến đầu năm 2026 mới có nguồn cung mới.

Để ứng phó với những bất cập trên thị trường, Sở Công Thương TP.HCM đã đề xuất UBND TP thí điểm tổ chức Sàn giao dịch thịt heo, tận dụng hạ tầng công nghệ và cơ sở pháp lý hiện có từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho hay mô hình này giúp công khai minh bạch giá cả, cho phép các trang trại và doanh nghiệp giao dịch trực tiếp với bên mua mà không cần qua trung gian. “Giao dịch trực tuyến sẽ giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể mua được thịt với giá thấp hơn”, ông Phương nhận định.

Hiện TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo mỗi ngày, với tổng giá trị thị trường gần 20.000 tỷ đồng/năm. Nếu sàn giao dịch vận hành hiệu quả, mô hình này không chỉ góp phần bình ổn thị trường thịt heo, mà còn có thể mở rộng sang các mặt hàng thiết yếu khác như gia cầm, thủy sản, gạo... và thậm chí là tín chỉ carbon phù hợp với định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM trong tương lai.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán MB, trong giai đoạn 2025 - 2026, giá heo hơi có thể duy trì ở mức 65.000 - 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 10% so với năm 2024. Ngành chăn nuôi cũng sẽ tiếp tục tái cấu trúc mạnh theo hướng ưu tiên doanh nghiệp quy mô lớn, vận hành khép kín và có năng lực kiểm soát dịch bệnh tốt.

Luật Chăn nuôi mới dự kiến sẽ siết chặt hơn các quy định về mật độ nuôi và bảo vệ môi trường, khiến chi phí tuân thủ tăng cao đặc biệt với các hộ nuôi nhỏ lẻ. Theo đó, thị phần thịt heo từ nhóm này có thể giảm mạnh từ mức 45% năm 2024 xuống còn 10-15% vào năm 2027.